Chuyên gia cho rằng nên nới rộng chính sách thu hút kiều hối

Theo chuyên gia, TP.HCM cần khuyến khích kiều bào đầu tư vào các chương trình xã hội và kết nối họ với các cơ hội kinh doanh trong nước để tận dụng tối đa nguồn lực kiều hối. Bên cạnh đó, có thể phát hành trái phiếu có thời hạn 5-10 năm, gắn liền với từng dự án cụ thể, đồng thời áp dụng chính sách ưu đãi về thuế trong năm đầu tiên để thu hút kiều bào đầu tư từ xa...

Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030 đã được UBND TP.HCM chính thức ban hành và bắt đầu triển khai từ tháng 10/2024. Đề án này nêu các chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối, như định hướng để nguồn kiều hối tham gia vào thị trường tài chính (chứng khoán, cổ phiếu)...

Hút kiều hối bằng trái phiếu

Đề án cũng hướng đến huy động kiều hối cho cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và bán tài sản công, kết nối tổ chức tài chính và công ty kiều hối để đa dạng hóa hình thức chuyển tiền. TP.HCM sẽ thiết lập các quỹ kiều hối cho bất động sản và sản xuất nhỏ, hỗ trợ nhà đầu tư Việt từ nước ngoài trở về.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho biết, TP.HCM đang được coi là trung tâm thu hút kiều hối, chiếm khoảng 38-53% tổng kiều hối của cả nước hàng năm. Đặc biệt, dòng tiền này chủ yếu chuyển một chiều về Việt Nam, với mức tăng trung bình hàng năm khoảng 3-7%.

Riêng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kiều hối đạt 43%. Do vậy, để tối ưu hóa nguồn lực này, Ủy ban sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu về kiều bào và đề xuất phát hành trái phiếu thu hút kiều hối vào hạ tầng.

kieu-hoi-1729592330.jpg
TP.HCM đang được coi là trung tâm thu hút kiều hối, chiếm khoảng 38-53% tổng kiều hối của cả nước hàng năm

Đồng quan điểm, TS. Lê Thị Thanh Nhàn - giảng viên Đại học Quốc gia Úc, cho rằng TP.HCM cần khuyến khích kiều bào đầu tư vào các chương trình xã hội và kết nối họ với các cơ hội kinh doanh trong nước để tận dụng tối đa nguồn lực kiều hối. Bên cạnh đó, có thể phát hành trái phiếu có thời hạn 5-10 năm, gắn liền với từng dự án cụ thể, đồng thời áp dụng chính sách ưu đãi về thuế trong năm đầu tiên để thu hút kiều bào đầu tư từ xa.

Trước đó, TS.Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia và Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, đề xuất hai kênh huy động kiều hối gồm: trái phiếu công trình và trái phiếu phiếu dự án.

Ông Lịch cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang “méo mó” do thiếu các quỹ đầu tư, khiến người dân phải tự kinh doanh bất động sản. Điều này dẫn đến vấn đề phát triển hạ tầng, không thể chỉ dựa vào kiều hối từ từng hộ gia đình mà cần có các định chế tài chính để đưa tiền vào. Chẳng hạn có thể chọn một dự án metro để phát hành trái phiếu, cho phép người Việt Nam và kiều bào đầu tư vào dự án này.

Kênh thứ hai là phát hành trái phiếu đô thị, loại trái phiếu này được bảo đảm bằng ngân sách Thành phố, vì vậy rất an toàn, tương tự như trái phiếu Chính phủ. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép trái phiếu này được giao dịch trên thị trường như trái phiếu Chính phủ, người dân sẽ có xu hướng lựa chọn đầu tư vào đây, tạo ra một kênh cho kiều hối chảy vào.

Ông Trịnh Hoài Nam, Giám đốc Công ty Kiều hối Vietcombank (VCBR), kiến nghị nới rộng chính sách thu hút kiều hối. Theo đó, nhà nước có thể cho phép người Việt đang ở nước ngoài mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, để gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ hoặc VNĐ và được chuyển gốc và lãi về nước sở tại. "Mặt khác, nhà nước cần mở thêm kênh chuyển USD từ một tổ chức ở nước ngoài đến người ở Việt Nam. Cụ thể, một công ty Mỹ có thể chuyển USD về cho các cá nhân ở Việt Nam đang làm việc cho công ty đó. Số lượng ngoại tệ này không nhỏ vì số người ở Việt Nam nhận lương từ nước ngoài khá lớn và sẽ tăng thêm trong thời gian tới" - ông Nam đề xuất.

Cần sàn giao dịch riêng cho trái phiếu đô thị

Đồng tình với TS. Trần Duy Lịch, mới đây, TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên Đại học Fulbright đã có nhận xét về việc tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại của TP.HCM vẫn thấp so với nhu cầu đầu tư phát triển của địa phương. Do đó, thành phố cần huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng, tái cấu trúc không gian đô thị.

Theo đề án phát triển hệ thống Metro của TP.HCM, thành phố đặt mục tiêu xây dựng khoảng 183 km đường metro đến năm 2035 và mở rộng thêm 168 km vào năm 2045. Đến năm 2060, mạng lưới metro sẽ hoàn thiện với tổng chiều dài hơn 510 km, đảm nhận 50-60% thị phần vận tải hành khách công cộng.

metro-tphcm-1729592437.jpg
Tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại của TP.HCM vẫn thấp so với nhu cầu đầu tư phát triển của địa phương

Để đạt được mục tiêu này, TP.HCM cần khoảng 835.738 tỉ đồng (tương đương 34,84 tỷ USD) trong giai đoạn đến 2035. Giai đoạn 2036-2045 sẽ cần thêm 627.620 tỉ đồng (26,17 tỷ USD), và từ 2046 đến 2060, cần 973.714 tỉ đồng (40,61 tỷ USD). Thành phố dự kiến huy động mọi nguồn lực, trong đó có 155.000 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, dành riêng từ 10.000 đến 30.000 tỉ đồng mỗi năm từ 2025 đến 2035 để phát triển hệ thống metro.

Tính đến cuối năm 2023, dư nợ của TP.HCM đạt 26.729 tỉ đồng. Với quy định hạn mức nợ công tối đa là 120% số thu điều tiết ngân sách địa phương, thành phố vẫn đảm bảo an toàn tài chính khi thực hiện kế hoạch vay vốn qua phát hành trái phiếu.

Trong những năm qua, TP.HCM đã thử nghiệm công cụ này, ví dụ như phát hành trái phiếu cho dự án đường Nguyễn Tất Thành - Liên tỉnh lộ 15 với số vốn khoảng 41 tỉ đồng. Sau chỉ 3 năm, thành phố đã thu hồi vốn và có lãi từ khoản đầu tư này.

Đồng quan điểm, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, trái phiếu chính quyền TP.HCM cần được coi như một loại hàng hóa, sản phẩm tài chính. Để tạo tính thanh khoản và luân chuyển vốn, cũng như tăng cơ hội phát hành sơ cấp và giúp nhà đầu tư, người dân có thể nắm giữ trái phiếu như hàng hóa, việc xây dựng cơ chế cho sàn giao dịch trái phiếu chuyên biệt sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.