Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua tỉnh Quảng Bình có tổng chiều dài 126,43km với 8 nút giao và được chia thành 3 dự án thành phần. Tổng diện tích đất sử dụng để thực hiện dự án khoảng 1.128ha với 3.772 hộ dân bị ảnh hưởng (trong đó có 551 hộ thuộc diện tái định cư). Có khoảng 4.642 ngôi mộ bị ảnh hưởng (trong đó có 3.885 ngôi mộ phải di dời sang vị trí khác). Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật cũng bị ảnh hưởng và buộc phải di dời.
Mới đây ngày 19/5, ông Hoàng Đăng Cương – Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình cho hay, đối với dự án này, Quảng Bình đã bàn giao 120,9km/126,43km tương đương 95,62% diện tích mặt bằng. Số diện tích còn lại là 5,54km chiếm 4,38%. Cùng với đó, Quảng Bình đã hoàn thành chi trả bồi thường hơn 1.900 tỷ đồng cho người dân, đạt hơn 93% kế hoạch.
Hiện nay toàn tỉnh còn 30 hộ dân chưa đồng ý nhận hỗ trợ, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; 145 hộ chưa được phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường; trên tuyến còn 2 hộ dân có công trình xây dựng, cơi nới nhưng chưa được tháo dỡ.
Tỉnh Quảng Bình cũng đã thực hiện xây dựng 26 khu tái định cư với diện tích gần 70ha cho khoảng 551 hộ dân tại 19 xã. Trong đó, huyện Quảng Trạch có 6 khu, huyện Bố Trạch 12 khu, huyện Quảng Ninh 3 khu, Lệ Thủy 3 khu và Ba Đồn 2 khu.
Đến nay tỉnh đã thi công hoàn thiện 8 khu tái định cư, 18 khu còn lại đang được gấp rút triển khai với khối lượng đạt hơn 89%.
Bên cạnh đó, để triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Quảng Bình phải xây dựng 13 khu nghĩa trang mới để di dời gần 4.000 ngôi mộ. Tới thời điểm này, địa phương đã hoàn thiện và bàn giao được 11 khu, còn 2 khu nghĩa trang vẫn đang được thi công gấp rút.
Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 4, BQL dự án đường Hồ Chí Minh – ông Chu Văn Long chia sẻ, hiện Quảng Bình vẫn còn hơn 5km mặt bằng chưa được bàn giao. Trong đó có 800m đất nông nghiệp, phần còn lại là đất liên quan đến nhà ở. Hiện huyện Lệ Thủy đang vướng mặt bằng nhiều nhất với khoảng 3,8km. Vấn đề khó khăn, thách thức đối với nhà thầu trong việc thi công là các diện tích này không liền mạch, chia cắt thành 30 đoạn khác nhau.
Việc chia cắt đã khiến cho quá trình vận chuyển thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu gặp nhiều trở ngại vì phải đi vòng sang đường Hồ Chí Minh.
Về vấn đề mặt bằng, Ông Long cho biết thêm, tỉnh Quảng Bình đã trễ hẹn tiến độ cam kết bàn giao mặt bằng tổng cộng 4 lần. Lần đầu vào ngày 30/6/2023, lần thứ 2 ngày 31/12/2023, lần thứ 3 ngày 31/3/2024 và lần thứ 4 là ngày 30/4/2024. Việc trễ hẹn bàn giao mặt bằng đã đẩy dự án đứng trước nguy cơ vỡ tiến độ rất lớn, khó có thể kết thúc vào ngày 30/6/2024.
Bên cạnh đó, ông Long bày tỏ quan ngại khi thời gian tới, tình hình mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình sẽ diễn ra phức tạp. Điều này cũng là cản trở lớn trong quá trình thi công bởi nếu gặp mưa lũ, dự án sẽ gần như “bất động”.
Nhằm tháo gỡ khúc mắc trong giải phóng mặt bằng, vừa qua UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp liên quan tới dự án. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình – ông Trần Thắng đã yêu cầu các địa phương đang vướng mắc cần nhanh chóng, chủ động tháo gỡ trong việc giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, chỉ đạo các nhà thầu phải đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ thi công khu nghĩa trang, khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật trong tháng 5/2024.
Về việc giải quyết những khiếu nại của người dân, ông Thắng nhấn mạnh các địa phương cần tuyên truyền, vận động bà con. Trong thời gian xây dựng nhà ở tại khu tái định cư, các địa phương phải có phương án “tạm cư” cụ thể cho người dân.