Trung Quốc tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thắt chặt giám sát giao dịch tiền điện tử

Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước của Trung Quốc mới đây đã có yêu cầu các ngân hàng trong nước phải nghiêm túc giám sát và báo cáo các giao dịch rủi ro, bao gồm cả các giao dịch liên quan đến tiền điện tử.

Theo SMCP, cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc đã ban hành các quy định mới yêu cầu các ngân hàng phải đánh dấu các giao dịch rủi ro, bao gồm cả các giao dịch liên quan đến tiền điện tử. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư của nước này sẽ khó mua và bán bitcoin cũng như các tài sản kỹ thuật số khác hơn.

Thông báo được phát đi tuần trước của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước nêu rõ, các ngân hàng được yêu cầu giám sát và báo cáo "các hành vi giao dịch ngoại hối rủi ro", bao gồm các ngân hàng ngầm, cờ bạc xuyên biên giới và các hoạt động tài chính xuyên biên giới bất hợp pháp liên quan đến tiền điện tử .

Các quy định áp dụng cho các ngân hàng địa phương trên khắp Trung Quốc, yêu cầu họ phải theo dõi các hoạt động như vậy dựa trên danh tính của các tổ chức và cá nhân liên quan, nguồn tiền và tần suất giao dịch, cùng nhiều yếu tố khác.

bitcoin-china-1735704344.jpeg

Trung Quốc tiếp tục yêu cầu các ngân hàng siết chặt giám sát các giao dịch liên quan tiền điện tử.

Ngoài ra, cơ quan quản lý này cũng cho biết, các ngân hàng được yêu cầu triển khai nhiều biện pháp kiểm soát rủi ro đối với những thực thể đó và hạn chế cung cấp một số dịch vụ nhất định cho họ.

Các quy định mới nhất phản ánh cách chính quyền Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý nghiêm ngặt để loại bỏ các hoạt động thương mại liên quan đến tiền điện tử, chẳng hạn như giao dịch và khai thác bitcoin, vì tài sản kỹ thuật số này bị coi là mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính của nước này.

"Quy định mới sẽ cung cấp một cơ sở pháp lý để trừng phạt các giao dịch tiền điện tử", Liu Zhengyao, một luật sư tại công ty luật ZhiHeng ở Thượng Hải, đã viết trong một bài đăng trên WeChat vào tuần trước. Ông này cho biết thêm: "Có thể thấy trước rằng thái độ quản lý của Trung Quốc đại lục đối với tiền điện tử sẽ tiếp tục thắt chặt trong tương lai".

Theo ông Liu, hoạt động sử dụng nhân dân tệ để mua tiền điện tử trước khi đổi tài sản kỹ thuật số đó lấy nhiều loại tiền pháp định nước ngoài khác nhau có thể được coi là "hoạt động tài chính xuyên biên giới liên quan đến tiền điện tử" theo các quy tắc ngoại hối mới, đặc biệt nếu số tiền vượt quá giá trị pháp lý cho phép.

Ông Liu cho biết, các quy định mới sẽ khiến "việc trốn tránh các quy định ngoại hối của đất nước thông qua tiền điện tử ngày càng khó khăn hơn trong tương lai".

Trung Quốc lần đầu tiên cấm các đợt chào bán và ra lệnh đóng cửa các sàn giao dịch tiền điện tử vào năm 2017. Nước này tiếp tục siết chặt các hành động pháp lý với lĩnh vực này vào năm 2021, khai thác bitcoin bị cấm và mọi hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền điện tử đều bị tuyên bố là bất hợp pháp.

Đợt tăng giá lịch sử của giá bitcoin gần đây được cho là đã thúc đẩy nhiều chuyên gia ở Trung Quốc kêu gọi nới lỏng các chính sách nghiêm ngặt của Bắc Kinh đối với các tài sản kỹ thuật số này.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ nới lỏng quy định và mở cửa lĩnh vực này.

Hồi tháng 8 năm 2024, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã phán quyết việc sử dụng tiền điện tử để chuyển hoặc chuyển đổi số tiền thu được từ tội phạm là vi phạm luật hình sự của Trung Quốc, điều này làm tăng rủi ro pháp lý cho các nhà giao dịch.

Năm ngoái, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan quản lý ngoại hối nước này cũng đã kêu gọi tăng cường giám sát giao dịch ngoại hối, đặc biệt là trong trường hợp đồng tiền ổn định giá Tether được sử dụng làm trung gian để giao dịch nhân dân tệ với các loại tiền tệ khác.

Trong báo cáo ổn định tài chính năm 2024 mới công bố của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) mới đây cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý các hoạt động tiền điện tử trong bối cảnh các nỗ lực toàn cầu đang diễn ra xung quanh thị trường này.

PBOC lưu ý, có tới 51 khu vực pháp lý trên toàn thế giới đã áp đặt lệnh cấm hoặc hạn chế đối với tài sản tiền điện tử, bao gồm Trung Quốc đại lục.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, các tổ chức tài chính lớn như HSBC và Standard Chartered Bank đang được yêu cầu giám sát chặt chẽ các hoạt động liên quan giao dịch tiền điện tử. PBOC cũng cam kết tăng cường khuôn khổ pháp lý quốc tế đối với tài sản tiền điện tử trong thời gian tới.