Từ vụ triệt phá đường dây 2,5 tấn xyanua, chất độc đến tay kẻ thủ ác quá dễ dàng

Từ năm 2019 đến nay, Ngô Thị Như Huệ đã bán hơn 2,5 tấn chất độc xyanua. Cơ quan điều tra cho biết, hầu hết người mua, sử dụng chất độc xyanua do thiếu hiểu biết về pháp luật.

Ngày 18/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh (TP. HCM) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Thành Huy (SN 1989, Bình Định) và Ngô Thị Như Huệ (SN 1985, quận 12, TP. HCM) về tội “Mua bán trái phép chất độc”. Ngô Thị Như Huệ là Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH Hóa chất Nam Phương)

Trước đó, thông qua công tác phát động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc và tố giác tội phạm, Công an quận Bình Thạnh đã nhận tin về một gói hàng chứa bột màu trắng giao nhầm trước cửa một nhà dân. Kết quả giám định ban đầu cho thấy, gói hàng này chứa 300gr chất độc xyanua.

chat-doc-1726706392.jpg
Đối tượng Nguyễn Đức Thành Huy tại cơ quan công an (Ảnh: Thuận Thiên)

Ngay lập tức, Công an quận Bình Thạnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan để truy xét. Cơ quan công an đã bắt giữ Nguyễn Đức Thành Huy, thu giữ hơn 1kg xyanua được đối tượng cất giấu tại nhà. Tiếp tục truy tìm nguồn cung chất độc, Công an quận Bình Thạnh bắt giữ tiếp Ngô Thị Như Huệ, thu giữ hơn 149kg chất độc xyanua.

Tại cơ quan điều tra, Huy khai sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook "Hóa chất Nam Phương" và "Hóa chất Xi mạ" để quảng cáo, mua bán chất độc xyanua. Khi khách hàng có nhu cầu, Huy đóng gói, gửi xyanua qua dịch vụ giao hàng thu hộ. Từ tháng 3/2023 đến thời điểm bị bắt, Huy đã bán hơn 100kg chất độc xyanua cho hàng trăm khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Còn Ngô Thị Như Huệ, từ năm 2019 đến nay, đối tượng đã bán hơn 2,5 tấn chất độc xyanua, thu được hơn 373 triệu đồng từ 11 khách hàng. Trong đó, Huy mua để bán, kiếm lời bất chính, còn các trường hợp khác sử dụng vào khai khoáng và chế tác kim loại.

chat-doc-1-1726706392.jpg
Đối tượng Ngô Thị Như Huệ tại cơ quan công an (Ảnh: Thuận Thiên)

Cơ quan điều tra cho biết, phần lớn người mua và sử dụng chất độc xyanua do thiếu hiểu biết về pháp luật, với mục đích chủ yếu là làm xi mạ, sơn, nhuộm hoặc diệt chuột. Đáng chú ý, có 16 trường hợp tại TP. HCM và một số tỉnh lân cận đã mua xyanua với ý định tự tử. Trong số đó, 2 trường hợp đã được người nhà kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu, trong khi 14 trường hợp còn lại đã từ bỏ ý định và tiêu hủy số chất độc đã mua.

Hiện nay, Công an TP. HCM đã chỉ đạo Công an quận Bình Thạnh khẩn trương mở rộng điều tra vụ án và xử lý nghiêm khắc các đối tượng liên quan. Đồng thời, làm rõ những sơ hở và thiếu sót trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh hóa chất độc hại của doanh nghiệp cũng như các cơ quan, tổ chức liên quan, nhằm kiến nghị các biện pháp chấn chỉnh và xử lý theo quy định.

Trước đó, trên cả nước cũng đã xảy ra nhiều vụ việc kẻ thủ ác sử dụng xyanua để đầu độc nạn nhân, cướp tài sản hoặc chỉ để giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày, gây phẫn nộ trong dư luận xã hội. Điển hình như vụ Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) thừa nhận tại cơ quan công an rằng, đã đầu độc chồng và 3 người cháu bằng xyanua, khiến 3 người tử vong.

Hay vào tháng 12/2022, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên án Tống Thị Tùng Linh chung thân về tội "Giết người". Linh đã đầu độc giết cha mình bằng chất độc xyanua.

chat-doc-2-1726706391.jpg
Xyanua là chất cực độc

Luật sư Bùi Minh Nghĩa - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, Luật Hóa chất 2007 và Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm của ngành Công thương trong quản lý Nhà nước về hóa chất. Đối với hoạt động kinh doanh, đây là ngành nghề có điều kiện, vì vậy cần phải có giấy phép mới được phép hoạt động. Với người tiêu dùng, khi mua xyanua, họ cần có giấy giới thiệu và công văn ghi rõ mục đích sử dụng.

Luật sư Nghĩa cho hay, bên bán xyanua không thể phạt hành mà phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể: Trường hợp bên bán không có giấy phép kinh doanh, giấy phép hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thì hành vi bán chất độc trái phép phạm vào tội “Mua bán trái phép chất độc” tại Điều 311, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nếu bên bán có đủ giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy trình, chẳng hạn như không lập và lưu phiếu kiểm soát có xác nhận của bên bán và bên mua theo Luật Hóa chất, thì nếu người mua sử dụng chất độc để thực hiện hành vi giết người, gây thương tích nghiêm trọng (từ 61% trở lên), bên bán cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm quy định về quản lý chất độc" với mức án phạt tù từ 1 đến 5 năm.