Anh Đinh Văn Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa nộp hồ sơ xin xét tuyển học bạ cho con vào lớp 10 tại một trường tư thục. Anh chia sẻ, học lực của con anh tốt, nhưng gia đình vẫn đặt ra tình huống xấu nhất. Nếu không vào được trường công mong muốn thì con anh sẽ học tại trường tư có chất lượng giảng dạy cao. Sau nhiều cất nhắc, gia đình anh đã chọn Trường THPT Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm).
Cũng chọn ngôi trường này cho con nên từ ngày 20/2, khi trường vừa mở bán hồ sơ, chị Thanh Vân (quận Ba Đình) đã tới mua ngay. Chị đăng ký cho con xét tuyển thẳng bằng học bạ. Nhà trường yêu cầu thí sinh xét tuyển theo phương thức này phải đạt 4 năm học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt.
Con trai chị Vân luôn đứng trong top đầu của lớp nên chị không bất ngờ khi 2 ngày sau đăng ký, con trai chị đã nhận được thông báo trúng tuyển. Trường yêu cầu nộp hai triệu đồng phí nhập học, không hoàn lại. Chị Vân ngầm hiểu đây là khoản "đặt cọc", giữ chỗ ở trường. Ngoài ra, chị phải nộp thêm hơn 10 triệu gồm học phí tháng đầu, cơ sở vật chất, hoạt động ngoại khóa... Với khoản đóng góp này, nhà trường sẽ hoàn trả lại nếu học sinh rút hồ sơ.
Chị Vân chia sẻ, 2 triệu đồng tiền cọc không quá lớn nên chị nộp luôn. Quan trọng là con chị đã có chỗ dự phòng nếu trượt công lập. Ngoài Trường THPT Đoàn Thị Điểm, chị sẽ nộp thêm hồ sơ xét tuyển lớp 10 cho con vào trường Nguyễn Siêu.
Chị Thu Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) đang rốt ráo tìm trường tư để “đặt chỗ” vào lớp 10 cho con. Chị nhắm tới 2 trường tư thục là Tạ Quang Bửu và Hoàng Cầu. Tuy nhiên, hai trường này đều chưa đưa ra thông báo tuyển sinh.
Chị Hương chia sẻ, kinh tế gia đình không quá dư dả nên chị muốn tìm một trường có mức "tiền cọc" vừa phải, học phí hàng tháng cũng phải trong khả năng chi phí của gia đình.
Hiện nay, rất nhiều trường tư thục trên địa bàn Hà Nội đã mở cổng đăng ký tuyển sinh lớp 10. Hình thức xét học bạ được phần đông các trường lựa chọn. Do đó, nhiều phụ huynh giống như anh Hùng, chị Vân, chị Hương đã chọn lựa đóng tiền để “đặt chỗ” dự phòng cho con tại trường tư.
Hà Nội có khoảng 100 trường THPT tư thục. Năm nay, tổng chỉ tiêu các trường tư thục tuyển sinh lớp 10 là khoảng tuyển 27.000 học sinh. Ngay từ đầu năm, nhiều trường ở nội thành thường đã đưa ra thông báo tuyển từ đầu năm. Phụ huynh khi đăng ký cho con phải nộp các khoản phí như mua hồ sơ, phí làm bài khảo sát (nếu có). Đặc biệt, phụ huynh còn phải đặt "tiền cọc" nếu muốn giữ chỗ cho con sau khi trúng tuyển. Mức phí này phổ biến là 2-5 triệu đồng, cá biệt có trường lên tới 15 - 20 triệu. Hầu hết trường không hoàn lại khoản này nếu học sinh không nhập học.
Hiệu trưởng một trường THCS đánh giá, việc đặt cọc trường tư để "chống trượt" lớp 10 cho con là tâm lý bình thường. Vài năm nay, việc này càng phổ biến khi cuộc đua vào lớp 10 công lập tại Hà Nội càng trở nên khó khăn.
PGS.TS Đặng Quốc Thống, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường THPT Đoàn Thị Điểm chia sẻ, các trường tư thục đưa ra số tiền cọc để hạn chế tỷ lệ ảo, đồng thời để các gia đình cân nhắc và có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Ông lấy vị dụ ngay tại trường Đoàn Thị Điểm, mỗi năm trường tuyển khoảng 600 học sinh. Nhưng để đảm bảo đủ số học sinh nhập học, trường phải gọi trúng tuyển tới 900 - 1.000 em, vì tỷ lệ ảo thường khoảng 30%.
Trước khuynh hướng ngày càng có nhiều phụ huynh nộp hồ sơ, đặt cọc giữ chỗ cho con tới 3-4 trường, thầy Nguyễn Ngọc Phúc - Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Duy Hưng khuyên phụ huynh nên dựa vào hai tiêu chí là lực học của con và điều kiện tài chính của gia đình để chọn lựa. Phụ huynh không nên bị cuốn theo số đông hay chỉ nhìn vào số tiền cọc, bởi nhiều trường cọc ít nhưng học phí cao, hoặc quá xa nhà, gây bất tiện trong việc đưa đón và tham gia các hoạt động tập thể của con.