Thời gian gần đây, tại nhiều điểm nút giao thông tại Hà Đông (Hà Nội) xuất hiện một nam thanh niên đi xe Wave lợi dụng người dân dừng đèn đỏ để xin tiền. Số tiền người này xin không nhiều thường chỉ khoảng 10.000 đồng. Tuy nhiên, việc giữa đường bị xin tiền khiến nhiều người khó chịu, bức xúc.
Người dân đã trình báo tình trạng này tới cơ quan chức năng. Vào cuộc xác minh, Công an quận Hà Đông đã làm rõ người đàn ông đi xe Wave chuyên xin tiền ở Hà Nội và triệu tập người này đến làm việc.
Người đàn ông này là N.Đ.V. (sinh năm 1983, trú phường Phú La, quận Hà Đông). N.Đ.V. đã có 1 tiền án về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” và 1 tiền sự đi cai nghiện bắt buộc. Từ năm 2019 đến nay, V. nằm trong diện đăng ký cai nghiện bằng thuốc thay thế tại cơ sở.
Làm việc với lực lượng chức năng, V. cho biết, anh ta thỉnh thoảng di chuyển từ đường Nguyễn Trãi về Hà Đông. Tại các nút giao thông, V. tiếp cận chủ phương tiện ô tô và xe máy dừng chờ đèn đỏ để xin tiền. V. nói anh ta chỉ xin chứ không chửi bới hay đe dọa chủ phương tiện.
Hiện Công an quận Hà Đông đang lập hồ sơ để xem xét, xử lý hành vi xin tiền người đi đường của N.Đ.V.
Câu chuyện lợi dụng lòng tốt của người khác để xin tiền không phải mới xảy ra gần đây. Thông thường các đối tượng thường dàn cảnh thành người có hoàn cảnh đáng thương để xin tiền. Như trường hợp của gia đình bà L.T.A (ngụ quận Gò Vấp, TP. HCM), cả bà và con trai đều vì thương người mà bị lừa tiền. Bà A. kể sáng 12/10/2023, trong lúc dọn dẹp trước sân, bà không may bị ngã, phải vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM để kiểm tra.
Trong lúc bà ngồi chờ trước cửa phòng khám thì có một nam thanh niên dìu một người đàn ông tay ôm bụng tỏ vẻ đau đớn tới ngồi xuống ghế bên cạnh bà. Nam thanh niên sau đó bắt chuyện với bà. Dù không trực tiếp mở miệng xin tiền, nhưng nam thanh niên lại cố tình kể về hoàn cảnh đáng thương của người đàn ông đi cùng.
Cảm thương hoàn cảnh tội nghiệp của người đàn ông nghèo khó bệnh tật, bà A. đã lấy 1 triệu đồng ra cho. Con dâu đưa bà vào viện thấy vậy cũng cho thêm 1 triệu đồng nữa. Vừa cầm tiền, hai người đàn ông cám ơn rồi đứng dậy bỏ đi. Sinh nghi, con dâu bà đi theo nhưng họ đã nhanh chân biến mất giữa dòng người đang lấy số chờ khám bệnh. Lúc này, mấy người người bệnh và nuôi bệnh ở đây nghe thấy đã nói với bà A. rằng họ cũng từng bị 2 đối tượng trên lừa tiền như vậy.
Về nhà, con dâu bà kể chuyện với chồng thì mới biết anh cũng từng vì thương người mà bị lừa tiền với thủ đoạn tương tự. Con trai bà A. khi di chuyển qua đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, TP. HCM) thì chứng kiến cảnh một người đàn ông bị đổ mâm chuối và khoai chiên cạnh vỉa hè. Thấy người đàn ông có vẻ khổ sở, anh dừng xe lại hỏi thăm. Người đàn ông đã than khóc kể về hoàn cảnh nghèo khó của mình, gia đình 4 người phải chạy ăn từng bữa. Giờ đổ hết mâm chuối và khoai chiên, vậy là mất cả vốn lẫn lời, không biết lấy đâu ra tiền để mua gạo và thức ăn.
Thương người, con trai bà A. đã cho người này 300 nghìn đồng. Khoảng một tháng sau có dịp đi qua con đường này, anh lại thấy người đàn ông hôm trước cũng với “màn kịch” đổ mâm chuối chiên để xin tiền người khác...
Không chỉ người Việt lợi dụng lòng tốt của người Việt mà nhiều người nước ngoài cũng lợi dụng lòng trắc ẩn của người Việt để xin tiền. Đầu năm 2023, tại Phú Quốc (Kiên Giang), có 3 người đàn ông ngoại quốc cầm tấm bìa carton ghi tiếng Việt đứng giữa chợ để xin tiền.
Trên tấm bìa carton của 3 người này ghi nội dung bằng tiếng Việt: "Xin chào, chúng tôi đến từ Nga. Chúng tôi đã đi du lịch mà không có tiền trong 5 năm nay. Hãy ủng hộ hành trình của chúng tôi. Cảm ơn". Nhiều người qua đường đã dừng xe, cho họ tiền.
Vài năm trước, trên mạng xuất hiện hình ảnh một người nước ngoài cầm tấm bảng ghi rằng mình bị mất hộ chiếu, ví, điện thoại… và muốn nhờ mọi người giúp đỡ để đi tới Đại sứ quán Phần Lan ở Hà Nội. Khoảng một năm sau, hình ảnh này vẫn xuất hiện nên nhiều người cho rằng ông đóng kịch để xin tiền.
“Lá lành đùm lá rách” là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Lòng tốt được đặt vào đúng vị trí sẽ giúp ích rất nhiều người. Tuy nhiên, người dân cũng cần cảnh giác, không nên vì cảm thương cho một số phận nào đó rồi trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, vừa mất tiền vừa mang tức giận vào người.