Mấy ngày nay, chị Trần Thu Phương (phố Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội) đến mấy siêu thị nhỏ gần nhà thì đều được thông báo hết rau xanh. Ra chợ mua, chị “sốc” vì giá rau tăng cao 30.000 đồng một mớ rau muống, 40.000 đồng/kg bí xanh và 20.000 đồng chỉ mua được hai quả cà chua nhỏ. Tiểu thương còn báo giá 13.000 đồng cho một lạng rau mùi, nếu mua cả cân thì giá giảm còn 120.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Minh Châu (quận Đống Đa, Hà Nội) tranh thủ đi chợ sớm trước giờ làm và "sốc" khi mua rau hết 160.000 đồng. Chị Châu chia sẻ, chị mua nửa quả bí xanh, một cái bắp cải và một ít hành, cà chua. Giá rau bây giờ đắt ngang giá thịt.
Chị Hoa - một tiểu thương tại chợ Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thường ngày chị chi 5 khoảng triệu đồng để nhập rau từ chợ đầu mối. Nhưng 3 ngày gần đây, chị đã phải bỏ ra hơn 6 triệu đồng cho cùng lượng hàng. Một số loại như rau thơm, cải xanh, mồng tơi, thậm chí còn khan hiếm.
Chị Hoa chia sẻ, chị nhập rau cải với giá 23.000 đồng/bó, nên phải bán lại cho khách với giá 26.000 - 28.000 đồng/bó. Giá cao như vậy khiến việc bán hàng trở nên khó khăn vì người dân đã quen với giá rau thường ngày. Một số loại rau có mức giá cao gấp 2 - 3 lần so với trước bão.
Chẳng hạn, rau muống trước đây chỉ khoảng 10.000 đồng/bó, giờ chị phải bán tới 30.000 đồng/bó mới có chút lãi. Giá bí xanh ở mức hơn 40.000 đồng/kg, trong khi ngày thường chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Rau bắp cải hiện có giá gần 30.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với mức bình thường là 15.000 đồng/kg.
Giải thích về việc giá rau xanh tăng vọt, các tiểu thương cho hay mưa lớn gây ngập úng tại các vườn rau ngoại thành Hà Nội khiến rau bị hư hỏng nhiều, nguồn cung bị thiếu hụt, từ đó đẩy giá lên cao.
Trước tình hình này, ngày 13/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có công điện gửi các cơ quan ban ngành về việc đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão Yagi.
Công điện nêu rõ, do ảnh hưởng của bão Yagi, ngành nông nghiệp ở một số địa phương chịu thiệt hại nghiêm trọng, gây gián đoạn giao thông và vận chuyển hàng hóa. Tại một số thời điểm, tình trạng khan hiếm hàng hóa như rau củ, thực phẩm, nước uống đã xuất hiện, dẫn đến việc tăng giá cục bộ tại vài khu vực, gây khó khăn cho đời sống và tiêu dùng của người dân.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị, các cơ quan, đơn vị tăng cường các biện pháp quản lý và điều hành giá, nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các đơn vị được yêu cầu theo dõi sát sao diễn biến thị trường và thực hiện các giải pháp kịp thời để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ hoặc tăng giá không hợp lý.
Các cơ quan chức năng cần sử dụng linh hoạt và hiệu quả các công cụ điều tiết giá theo quy định của pháp luật, để kiểm soát và bình ổn thị trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc thực hiện và giám sát các biện pháp kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, và tiến hành thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả và cung cầu hàng hóa trên địa bàn, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Sở Tài chính cần chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành để tham mưu cho UBND địa phương trong công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá, đồng thời xem xét thực hiện chương trình bình ổn thị trường khi có biến động bất thường, theo thẩm quyền và quy định pháp luật.