Nguyên nhân nào khiến giá vàng tăng “điên cuồng” những ngày qua?

Trong 2 tháng qua, giá vàng thế giới đã tăng 350 USD/ounce, đạt đỉnh giá cao nhất mọi thời đại. Còn trong nước, giá vàng miếng cũng đạt mốc 85 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn vươn mức 78,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đã tăng 350 USD/ounce trong 2 tháng qua. Cùng với sự tăng giá này, nhiều mức đỉnh giá mới đã liên tục được chinh phục. Đỉnh điểm là vào ngày 6/4, giá vàng thế giới đã chinh phục mức cao nhất mọi thời đại.

vang-the-gioi-1712831052.jpg
Giá vàng tăng "điên cuồng" trong những ngày vừa qua

Nguyên nhân nào khiến giá vàng thế giới tăng điên cuồng đến vậy? Ngân hàng UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ cho rằng, có nhiều yếu tố tác động đến giá vàng. Thứ nhất là kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Đây vẫn đang là lực đẩy chính của giá vàng. Thực tế, từ cuối năm 2023, kỳ vọng này đã tạo đà tăng cho giá vàng khi lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt đáng kể và Fed giữ nguyên lãi suất trong nhiều tháng liên tiếp.

Thứ hai là lực mua của các ngân hàng trung ương. Báo cáo mới đây nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024, các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục mua vàng tích trữ.

Còn trang Bloomberg nhận định, sự phục hồi nhu cầu của người mua cá nhân lẫn Ngân hàng trung ương Trung Quốc chính là yếu tố dẫn dắt cơn sốt vàng toàn cầu thời gian qua. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã tăng dự trữ vàng tháng thứ 17 liên tiếp. Hiện số vàng PBOC nắm giữ tăng 0,2% trong tháng 3, lên 2.273 tấn. Đây là mức cao nhất của ngân hàng này từ tháng 11/2015.

Ngoài ra, nguyên nhân khác như căng thẳng địa chính trị và làn sóng bầu cử sắp diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới cũng góp phần giúp giá vàng lập đỉnh.

Theo đà tăng của giá vàng thế giới, đương nhiên giá vàng trong nước cũng “nóng” hơn bao giờ hết. Tháng 4 mới qua vài ngày, nhưng giá vàng miếng lẫn vàng nhẫn đã liên tục “phá đỉnh”. Có thời điểm, giá vàng miếng SJC chạm mốc 85 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 cũng chạm ngưỡng 78,6 triệu đồng/lượng. Từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn đã tăng gần 10 triệu đồng/lượng.

Chưa bao giờ giá vàng tăng “một mạch” như hiện nay. Các thương hiệu vàng lớn liên tục điều chỉnh giá. Có ngày, giá vàng được điều chỉnh theo từng giờ. Các cửa hàng vàng tại những đô thị lớn, người mua - kẻ bán tấp nập ra vào.

vang-the-gioi-1-1712831130.jpg
Có thời điểm, giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 chạm ngưỡng 78,6 triệu đồng/lượng

Không phải thời điểm này, giá vàng mới biến động mạnh. Từ cuối năm 2023, thị trường vàng đã bắt đầu “trồi - xụt” giá bất thường. Khi đó, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, đánh giá hoạt động của các chính sách điều tiết thị trường vàng, đặc biệt là Nghị định 24 nhằm giúp thị trường vàng ổn định hơn. Gần đây nhất, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan liên quan nhằm quản lý hiệu quả, an toàn thị trường vàng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, giá vàng trong nước vẫn rơi vào tình trạng tăng chóng mặt. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho rằng, cần phải “bắt đúng bệnh” của thị trường vàng trong nước thời gian qua.

Theo ông, ước tính trong nền kinh tế Việt Nam hiện có 2.000 tấn vàng chứ không phải con số 400 tấn như được dự báo lâu nay. Thị trường vàng trong nước hiện đang tồn tại 3 vấn đề dai dẳng.

Thứ nhất chính là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang rất lớn. Sau giai đoạn 2017 - 2019, mức chênh lệch vẫn còn rất thấp. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, giá vàng trong nước bắt đầu tăng vọt, kéo giãn khoảng cách với giá vàng thế giới. Với vàng miếng SJC, sự chênh lệch này tương đương hơn 20%, còn vằng nhẫn khoảng 5%.

Thứ hai là về vàng nhập lậu. Tính từ năm 2012 - 2023, tổng lượng tiêu thụ tại Việt Nam là 739 tấn. Trong khi, tổng giá trị vàng, bạc, đá quý nhập khẩu chính ngạch ước tính từ số liệu của Tổng cục Hải quan chỉ khoảng 150 tấn vàng. Điều này cho thấy, một lượng đáng kể vàng tiêu thụ ở nước ta đã bị nhập khẩu trái phép.

Thứ ba là các đợt “sốt vàng”, thường diễn ra khi giá vàng cao, như thời điểm hiện tại. Dù vậy, những đợt “sốt vàng” này chủ yếu ảnh hưởng đến tâm lý người dân chứ không có nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du chia sẻ, từ xa xưa người Việt đã ưa chuộng vàng, tích vàng đã thành một thói quen. Thế nên, sự tồn tại của loại hàng hóa đặc biệt này trong nền kinh tế Việt Nam là điều tất yếu. Do đó cần có những chính sách hợp lý để thị trường vàng vận hành đúng đắn, tác động tích cực đến nền kinh tế.