Nóng các vụ buôn lậu hàng tấn vàng và sự cấp thiết xóa bỏ độc quyền

Một trong những nguyên nhân khiến hàng tấn vàng được buôn lậu qua biên giới vào Việt Nam thời gian qua là xuất phát từ việc chênh lệch khá lớn giữa giá trong nước và quốc tế.

Hàng tấn vàng được buôn lậu qua biên giới

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 24 bị can trong đường dây buôn lậu 6.150kg vàng 9999 từ Campuchia về Việt Nam. Hai đường dây buôn lậu vàng này do Nguyễn Thị Minh Phụng (43 tuổi, quê Bình Định) và Nguyễn Thị Kim Phượng (39 tuổi, ở Tây Ninh) cầm đầu.

Theo cáo trạng, đầu năm 2022, Phụng và Phượng thấy giá vàng trong nước cao hơn bên Campuchia nên lập 2 đường dây độc lập, lén đưa về Việt Nam bán kiếm lời. Hai người này đã liên kết với Giàu - sống gần cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh, cùng nhiều người khác để lên kế hoạch vận chuyển, mua vàng thỏi từ Phnom Penh đưa về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc.

vang-jpeg-8446-1711958542-250-1712139177.jpg
Một số thỏi vàng trong vụ án bị cảnh sát thu giữ. Ảnh: Bộ Công an

Theo cáo trạng, liên quan đến nhóm Nguyễn Thị Minh Phụng, theo sổ sách ghi chép, có 36 khách hàng mua vàng lậu. Kết quả điều tra xác định được 10 khách hàng có những ký hiệu riêng.

Trong đó, khách hàng "Nhung điện lực" được xác định là Trần Thị Tuyết Nhung, mua 148kg vàng; khách hàng "Minh Tiên" được xác định là Lê Thị Ánh Minh, mua 72kg vàng;

Còn lại các khách hàng có biệt danh: "Kim Mai Hậu Giang" mua 143kg; "A Đền" mua 68kg; "Mi Hồng" mua 137kg; "Chị Nụ" mua 113kg; "Sơn Phúc" mua 49kg; "Yên Bình, Chị Ròm" mua 53kg...

Đặc biệt, liên quan vụ án, bị can Đặng Thị Thanh Hằng - chủ tiệm vàng Phúc Hằng, có cơ sở ở Hà Nội và TPHCM - được xác định là một mắt xích của đường dây buôn lậu vàng "khủng". Người phụ nữ này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam. Theo cơ quan công tố, từ ngày 3/8 – 28/9/2022, bị can Hằng đã mua của Phụng 294kg vàng lậu, tổng trị giá gần 400 tỉ đồng.

7-tour-0-dong-1712139355.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng vàng

Trước đó, vào cuối năm 2020, cơ quan chức năng đã triệt phá đường dây buôn bán vàng lậu qua biên giới mà người cầm đầu là Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, SN 1968, ngụ tại ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Vào tháng 7/2021, cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã bắt giữ được Nguyễn Thị Kim Hạnh sau thời gian người này trốn truy nã.

 Khám xét khẩn cấp 16 cơ sở lớn liên quan đến đường dây buôn lậu này, dư luận hết sức bất ngờ khi lực lượng chức năng thu giữ 87kg vàng nguyên chất, trên 1,27 triệu USD; hơn 1,7 tỷ đồng và nhiều thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính, đầu thu camera…) và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hành vi giao dịch tiền, vàng qua biên giới của các tiệm kinh doanh vàng.

Khoảng 6 năm trước khi bị bắt, Mười Tường hay tham gia làm từ thiện ở địa phương. Nhưng theo đánh giá của dư luận, mục đích của việc này là để tạo ra vỏ bọc Mạnh Thường Quân, nhằm đánh bóng tên tuổi và để không bị cơ quan chức năng chú ý. Còn phía sau vỏ bọc đó là hàng loạt thủ đoạn nhằm che giấu hành vi buôn lậu vô cùng tinh vi.

Năm 2019, dự luận rúng động với vụ nữ tiếp viên hàng không buôn lậu vàng từ Hong Kong (Trung Quốc) về Việt Nam. Tháng 1/2019, TAND Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Ngọc Mai (SN 1973, ở quận Ba Đình, Hà Nội) từng là tiếp viên hàng không 8 năm tù về tội “Buôn lậu”. 6 bị cáo còn lại, trong đó có anh trai, chị dâu của Mai bị tuyên án từ 24 tháng tù cho hưởng án treo đến 3 năm 6 tháng tù cùng tội danh trên.

Theo cáo trạng, từ năm 1994 đến năm 2000, Lê Thị Ngọc Mai làm tiếp viên của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines trên các chuyến bay quốc tế. Mai biết pháp luật Hong Kong không cấm việc mua vàng ra khỏi lãnh thổ, chỉ cần xuất trình chứng từ hóa đơn hợp lệ sẽ được xuất cảnh.

Mặt khác, Mai thấy giá vàng tại Việt Nam luôn cao hơn giá vàng tại Hồng Kông nên từ năm 2014, chị ta mua vàng trang sức từ đây, vận chuyển theo đường hàng không, quá cảnh qua Thái Lan về Việt Nam, không khai báo với cơ quan Hải Quan nhằm trốn thuế, thu lợi nhuận cao.

Đến sự cấp thiết xóa bỏ độc quyền vàng

Từ thực tế các vụ buôn lậu vàng với số lượng khủng nói trên, có thể thấy, khi giá vàng trong nước chênh quá cao so với thế giới sẽ dẫn tới hiện tượng nhập lậu về để bán kiếm lời. Khi giá tiệm cận, hiện tượng này sẽ tự nhiên mất đi.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Lê Xuân Nghĩa cho biết: "Theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC), mỗi năm chúng ta nhập lậu vàng khoảng 50 tấn, tương đương 3 tỷ USD. Đây là điều không thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, ông cho rằng nếu cho phép doanh nghiệp chủ động nhập khẩu vàng thì họ sẽ phải mua USD ở hệ thống ngân hàng, mở thư tín dụng (LC) để nhập khẩu vàng chính ngạch. Sẽ không còn tình trạng mua USD ở thị trường tự do để buôn lậu, tạo áp lực lên tỷ giá.

Doanh nghiệp còn có thể tạo giá trị gia tăng từ xuất khẩu vàng trang sức, từ đó tăng ngoại tệ thu về, điều mà Việt Nam đang khuyến khích. "Con số 3 tỷ USD nếu nhập khẩu vàng miếng về và gia công thành vàng trang sức đem xuất khẩu có thể còn đạt hơn 3 tỷ USD rất nhiều", ông Nghĩa cho hay.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, giá vàng tăng cao và chênh lệch lớn với thế giới có thể phát sinh hoạt động nhập khẩu vàng nhẫn qua kênh không chính thống, khiến tỷ giá căng thẳng cục bộ.

"Vàng miếng SJC thực chất không khác gì với các thương hiệu vàng khác nhưng chênh lệch giá lại rất lớn, lên đến 10 - 12 triệu đồng/lượng trong thời gian qua. Điều này tạo ra giá trị ảo cho doanh nghiệp và nền kinh tế, dẫn đến hiện tượng buôn lậu do chênh lệch giá vàng", chuyên gia nói.

Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng bỏ độc quyền vàng là bước đi cần thiết để giảm giá vàng trong nước, qua đó làm giảm thiểu hiện lượng nhập lậu vàng, tăng lượng ngoại tệ trong nền kinh tế, thậm chí có thể tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.

Nhiều chuyên gia cho rằng nên bỏ cách quản lý độc quyền nguồn cung vàng, cho phép các doanh nghiệp đủ tiêu chí được nhập khẩu vàng, trả lại thương hiệu SJC về cho Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, đồng thời bỏ luôn quy định quản lý vàng theo hạn ngạch, chuyển sang quản lý bằng thuế.

Liên quan đến vấn đề xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam mới kiến nghị 3 doanh nghiệp kinh doanh vàng là SJC, PNJ và DOJI được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu với định mức 500 kg vàng/năm/doanh nghiệp.