Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trưa 26/10, bão Trà Mi đã đạt cấp 12 với sức gió giật cấp 15. Đây có khả năng là cường độ cực đại của bão số 6 khi hoạt động trên Biển Đông.
Do ảnh hưởng của bão, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ có mưa lớn đến rất lớn. Tại khu vực Hà Tĩnh, Bình Định và Bắc Tây Nguyên cũng có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất lớn với tổng lượng mưa từ 100 - 200mm, có nơi trên 300mm.
Các chuyên gia dự báo, một đợt lũ có khả năng xuất hiện trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, với biên độ lũ dâng từ 3 - 8m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có thể đạt mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi vượt báo động 3. Các sông ở Quảng Bình có thể lên mức báo động 1 đến báo động 2 và ở Hà Tĩnh, Bình Định, Kon Tum có thể vượt mức báo động 1.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, các tỉnh miền Trung đã triển khai kế hoạch ứng phó với cơn bão số 6.
Đà Nẵng
Chiều 26/10, UBND TP. Đà Nẵng đã ra công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện theo dõi sát sao diễn biến của bão số 6 (bão Trà Mi) và tình hình mưa lũ.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương nhanh chóng triển khai phương án sơ tán dân cư sống tại nhà tạm bợ, nhà trọ, các khu vực có nguy cơ sạt lở hoặc ngập úng. Việc di dời phải hoàn tất trước 22h ngày 26/10. Người dân, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ, được yêu cầu hạn chế ra ngoài từ 10h ngày 27/10.
Tối 26/10, Đà Nẵng có mưa lớn kèm gió nhẹ tại một số khu vực. Tại ven biển quận Sơn Trà, người dân đã gia cố nhà cửa để bảo vệ tài sản trước khi bão Trà Mi đổ bộ. Theo đó, nhiều người đã sử dụng mọi cách để dựng “đê” chắn trước nhà nhằm ngăn nước tràn vào làm hư hại tài sản. Trên đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà), một khách sạn đã thông báo đóng cửa chính để tăng cường chống bão. Một khách sạn khác ven biển cũng dựng “đê” bằng túi cát tại lối vào tầng hầm để phòng ngừa nước tràn vào khi mưa lớn.
Tại khu vực ven biển đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê), người dân dùng các cây sắt chắc chắn buộc trước cửa nhà để tránh gió giật làm hư hại. Ở khu vực thấp trũng như đoạn đường Tôn Đức Thắng gần cầu vượt Ngã Ba Huế, người dân đã sử dụng các tấm nhựa cứng để tạo thành “đê” chắn nước trước cửa nhà.
Ông Trần Văn Tú (quận Thanh Khê) cho biết, rút kinh nghiệm từ đợt ngập lịch sử tháng 10/2022, khi nghe dự báo mưa lớn có thể gây ngập, ông đã thuê người dựng trụ nhôm và mua tấm nhựa để tạo thành “đê” cao hơn 1m nhằm ngăn nước vào nhà. Tương tự, chị Quỳnh (quận Liên Chiểu) cũng cho hay, gia đình chị đã dựng “đê” bằng tấm gỗ cao hơn 1m. Đây là cách hiệu quả mà các hộ dân trong khu vực truyền tai nhau.
Tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), từ trưa 26/10, lực lượng chức năng đã đến hỗ trợ người dân tại các vùng thấp trũng kê cao các vật dụng có giá trị để bảo vệ tài sản khi bão đổ bộ.
Thừa Thiên Huế
Chiều 26/10, Thiếu tá Hồ Trịnh Hùng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây (Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ chằng chống nhà cửa cho các hộ neo đơn trong khu vực nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi bão số 6 tại thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc).
Đơn vị cũng đã tuyên truyền, yêu cầu ngư dân không ở lại trên các lồng bè nuôi cá gần đê chắn sóng cảng Chân Mây và hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn.
Sáng cùng ngày, ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã kiểm tra công tác khắc phục và gia cố đoạn bờ biển bị sạt lở tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An (thành phố Huế). Ông chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng nhanh chóng đánh giá thiệt hại và xây dựng phương án khắc phục, ngăn chặn nước biển xâm thực vào đất liền; đẩy nhanh tiến độ thi công kè chống sạt lở bờ biển tại Thuận An - Phú Thuận để bảo vệ cuộc sống người dân trước bão số 6.
Để đối phó với bão số 6, Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ và các phương tiện, phối hợp cùng lực lượng tại chỗ, nhanh chóng gia cố đoạn bờ biển xung yếu. Các lực lượng đã sử dụng hơn 2.300m² vải lọc, khoảng 700m³ đá hộc, 5.000 bao tải và 200 cừ tràm để xử lý đoạn bờ biển bị sạt lở nặng. Đồng thời cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm và bố trí lực lượng canh gác, đảm bảo an toàn cho người dân qua lại.
Ông Đặng Văn Hòa - Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, toàn tỉnh đã chuẩn bị phương án di dời 16.349 hộ dân (tương đương 52.186 nhân khẩu) để ứng phó với bão số 6, lũ quét và sạt lở đất. Người dân được khuyến khích dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ dùng trong 7-10 ngày để phòng thiên tai, lũ bão; tỉnh cũng bố trí sẵn 100 tấn gạo và 100 tấn mì ăn liền để hỗ trợ khẩn cấp khi cần thiết.
Quảng Nam
Ngày 26/10, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó, hỗ trợ người dân bảo vệ tài sản và an toàn tính mạng. Ông Đinh Dũng - Chủ tịch UBND phường Cẩm An cho biết, gần 100 người thuộc các lực lượng bộ đội, công an, biên phòng, dân quân, và cán bộ phường đã tham gia hỗ trợ người dân. Các phương án ứng phó được triển khai ráo riết, đặc biệt ở khu vực sát biển Cửa Đại.
Ông Lê Văn Nên (phường Cẩm An, Hội An) đã chuẩn bị chu đáo để đảm bảo an toàn cho gia đình và tài sản trước cơn bão. "Nghe nói bão này mạnh và diễn biến phức tạp nên tôi rất lo. Chiều nay tôi cùng con trai mua bao cát và dây thừng lớn để chằng chống nhà cửa cho an tâm," ông Nên chia sẻ.
Trưa 26/10, lực lượng Đồn Biên phòng Tam Thanh đã hỗ trợ các hộ dân chằng chống nhà cửa và đưa tàu thuyền vào nơi an toàn. Chính quyền địa phương cũng cấm người dân và du khách tắm biển.
Tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kịch bản sơ tán dân khi bão đổ bộ, với kế hoạch di dời khoảng 212.000 người nếu bão mạnh và 400.000 người nếu bão trở thành siêu bão. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đang ứng trực 24/24 giờ để theo dõi sát tình hình và sẵn sàng ứng phó.
(Tổng hợp)