Báo cáo tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NOXH), thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công anghiệp giai đoạn 2021-2030", Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án NOXH đã được triển khai, với quy mô 418.200 căn.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án với quy mô 39.884 căn. Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô 115.379 căn. Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 300 dự án với quy mô 262.937 căn (có 4 dự án, 5.919 căn được chấp thuận mới).
Hiện đã có thêm 2 ngân hàng tham gia chương trình hỗ trợ vốn, nâng tổng số ngân hàng lên 6 với tổng số tiền đăng ký lên 5.000 tỉ đồng/ngân hàng. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân số tiên 1.144 tỉ đồng, bao gồm 1.133 tỉ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án, nhưng mới chỉ có 11 tỉ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án.
Đối với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho NOXH, ra đời từ tháng 4/2023 nhưng đến nay mới giải ngân được 640 tỉ đồng, chưa đến 1% tổng giá trị gói cho 8 dự án NOXH tại 7 địa phương. Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho biết, đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Hiện, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền 7.000 tỉ đồng.
“Việc giải ngân gói tín dụng này còn chậm do nhiều tỉnh, thành phố lớn lại có tỉ lệ thực hiện NOXH thấp so với mục tiêu của đề án”, Bộ Xây dựng nhận xét.
Lý giải nguyên nhân của việc chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, đây là gói tín dụng mang tính tự nguyện nên chủ đầu tư, người mua nhà phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo quy định mới giải ngân. Trong khi đó, qua thẩm định, các ngân hàng nhận thấy một số dự án NOXH còn gặp vướng mắc về pháp lý, giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan đến vấn đề sử dụng đất…dẫn tới chưa có cơ sở để cấp tín dụng.
Điều này dẫn đến việc, các chủ đầu tư, doanh nghiệp tỏ ra không mặn mà với loại hình NOXH bởi nhiều ràng buộc nhưng lợi nhuận lại bị giới hạn, chưa có quỹ đất phù hợp để dành riêng cho NOXH. Quy trình thủ tục pháp lý cũng chưa được thuận tiện cho cả chủ đầu tư và người mua.
Bên cạnh đó, mức giảm lãi suất 1,5% với chủ đầu tư và 2% với người mua nhà so với mức cho vay thông thường vẫn là quá cao, chưa đủ để hấp dẫn đối với những người tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ngoài ra, thời hạn được vay cũng quá ngắn, khiến chủ đầu tư hoặc người mua nhà khó có thể đáp ứng được.
Trước những vấn đề còn tồn đọng, để tiếp tục thực hiện đề án có hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước thu xếp nguồn vốn vay cho cả người mua, người bán NOXH. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước chung tay cùng doanh nghiệp, nghiên cứu, xây dựng, cung cấp gói tín dụng cho người mua, mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3-5% so với vay thương mại thông thường. Cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính Nghiên cứu thành lập quỹ về NOXH, đề xuất sớm trước 30/6/2024, xây dựng, hướng dẫn các địa phương phát hành trái phiếu cho NOXH.
Trước đó, các chuyên gia cũng đưa ra đề xuất chuyển đổi gói 120.000 tỉ đồng thành gói nhà ở vừa túi tiền như gói 30.000 tỉ đồng năm 2013. Theo đó, cho vay lãi suất tương đương tiết kiệm với loại căn hộ có giá không quá 50 triệu đồng/m2, giá trị căn hộ không quá 3 tỉ đồng. Việc này sẽ thúc đẩy khuyến khích cho các chủ đầu tư chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào phân khúc căn hộ vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu của đại đa số dân chúng. Đồng thời, làm giảm bớt áp lực cho sự kỳ vọng vào NOXH.