Xuất hiện nhiều chiêu trò "lách luật" mua bán nhà ở xã hội, đề nghị thanh tra toàn diện

Thị trường bất động sản thời gian qua có tín hiệu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn trong việc phát triển các dự án nhà ở xã hội. Đáng chú ý, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ thuộc diện có nhiều ưu đãi này.

Đây là ý kiến được nêu tại báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng năm 2024 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhìn nhận, thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực nhưng vẫn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do vướng ở khâu quy trình, thủ tục phát triển dự án nhà ở xã hội. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với những khó khăn về thanh khoản, nguồn vốn.

vu-hong-thanh-1715584891.jpg

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

 

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, giá chung cư đã tăng giá khoảng 40% so với 5 năm trước do nguồn cung khan hiếm, mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm trên thị trường. Tương tự, giá đất nền cũng tăng mạnh trở lại, thậm chí tăng cục bộ do tình trạng đầu cơ gia tăng, khiến người có nhu cầu thực về nhà ở mất đi khả năng tiếp cận.

"Thị trường đã xuất hiện tình trạng lách luật đầu tư, mua bán nhà ở xã hội", ông Thanh nhấn mạnh.

Ủy ban Kinh tế nhận định, xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế-xã hội, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy như người có nhu cầu thực không thể tiếp cận đất đai, trong khi nhiều nơi bị bỏ hoang. Các nguồn lực xã hội thay vì đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, khiến doanh nghiệp phải gồng gánh nhiều chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, người có nhu cầu mua nhà, đất thực đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho một ngôi nhà, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng.

nha-o-xa-hoi-1715584862.jpg

Nhiều người lao động phản ánh, việc mua nhà ở xã hội chỉ có trên tivi

 

Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, các địa phương phát triển phân khúc nhà ở này lại có sự chênh lệch rõ rệt. Cụ thể, Hà Nội, TP.HCM số lượng căn hộ chỉ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu; nhiều địa phương khác như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi…không có dự án mới nào được khởi công trong vòng 3 năm qua.

Tại cuộc đối thoại với Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi diễn ra gần đây, nhiều người lao động, nhất là lao động trẻ, công chức, viên chức cũng đã phản ảnh tình trạng khó khăn khi tiếp cận nhà ở xã hội, nguồn cung khan hiếm, chỉ thấy trên tivi.

Ủy ban Kinh tế nhận định, đây là những vấn đề để lại hậu quả xấu đến tiến trình phát triển kinh tế , thậm chí về lâu dài có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Theo đó, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Từ đó có giải pháp ổn định tình hình.

Liên quan đến vấn đề "lách luật" tại các dự án nhà ở xã hội, hồi giữa năm 2023, Dự án Nhà ở xã hội tại ô đất HH- 02A thuộc dự án Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu do Công ty CP Đầu tư Xây dựng NHS làm chủ đầu tư gây xôn xao dư luận với nhiều chiêu trò của "cò mồi" đối với các suất mua nhà tại dự án.

Theo đó, dự án có 275 căn hộ với diện tích từ 69,9m2 đến 76,8m2, giá bán được cơ quan chức năng phê duyệt là 19.523.116 đồng/m2 (đã bao gồm VAT, chưa có phí bảo trì). Tuy nhiên, những căn hộ thuộc dự án này đã được giới “cò mồi” rao bán công khai, với mức giá chênh từ 250-300 triệu đồng/căn tùy vị trí. Khoản tiền chênh lệch này sẽ được hợp thức hóa bằng một bản hợp đồng tư vấn dịch vụ pháp lý. Không chỉ gây ra bất cập trong khoản tiền chênh, ngay từ vòng nộp hồ sơ, nhiều người cũng phản ánh về việc phải mất vài triệu đồng cho "cò" hồ sơ, để không phải trực chờ nhiều ngày, thậm chí xuyên đêm mới tới lượt nộp.

Sau khi mua nhà ở xã hội, người mua sẽ không được bán lại trong vòng 5 năm, nên giới đầu tư sẽ "lách" bằng cách ký một hợp đồng đặt cọc tương đương giá trị căn hộ, đồng thời ký hợp đồng ủy quên để bên mua có quyền sử dụng căn hộ, sau khi hết thời hạn quy định các bên mới tiến hành hoàn thiện các thủ tục sang tên.