Bệnh cúm trái mùa: Gia tăng bất thường, biến chứng tử vong cao

Nguyên nhân bệnh cúm xuất hiện trái mùa là do có sự cộng hưởng tình trạng “nợ miễn dịch” sau thời gian trẻ ở trong nhà nhiều khi xảy ra đại dịch Covid-19 trước đó, cùng với đó là khả năng xuất hiện các biến thể mới của cúm.

Mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận điều trị cho 3 bệnh nhân mắc cúm B nặng. Đặc biệt, có 2 bệnh nhân đã được chỉ định can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Cụ thể, nữ bệnh nhân (30 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định) nhập viện trong tình trạng bị suy hô hấp nặng, viêm phổi do mắc cúm B.

Sau 2 ngày điều trị ở tuyến dưới, tình trạng khó thở của bệnh nhân có tăng nặng nên được chuyển tuyến tới Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt ống thở máy nhưng đáp ứng kém, được chỉ định can thiệp ECMO.

benh-cum-trai-mua-1-1718880792.jpg
Bệnh cúm trái mùa có thế dẫn đến biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết... 

Một bệnh nhân khác đến từ Thanh Hóa. Khi nhập Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã được cho chụp cắt lớp. Kết quả cho thấy, hình ảnh tổn thương phổi bên phải, được chẩn đoán viêm phổi nặng do mắc cúm B. Do tình trạng khó thở và tức ngực của bệnh nhân nặng, các bác sĩ đã phải chỉ định đặt ống thở máy, đặt ECMO.

Đặc biệt là bệnh nhi 19 tháng tuổi nhập Khoa Nhi trong tình trạng sốt cao liên tục (39 - 40 độ C). Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, cúm B, nhiễm khuẩn huyết. Sau một ngày bệnh nhân được chuyển sang thở HFNC (oxy dòng cao), được làm xét nghiệm và cấy máu ra vi khuẩn tụ cầu.

Chị N.T.H (quận Long Biên, Hà Nội) đưa cậu con trai 3 tuổi vào Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba trong tình trạng quấy khóc, bỏ ăn, thở khò khè. Trước đó, con chị bị sốt cao, ho, nôn ói, chảy nước mũi. Chị đã ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc cho con uống. 3 ngày sau, tình trạng của bé không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn. Lúc này, chị mới đưa con đến viện. Bết quả xét nghiệm cho thấy, con chị dương tính với cúm B kèm biến chứng viêm phổi.

Tại Khoa Nhi của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, thời gian qua đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị cúm như con trai chị H. Bệnh viện thống kê, từ tháng 1 - 3/2024, hơn 800 bệnh nhân cúm đã tới khám. Còn từ ngày 1/4 - 22/5, bệnh viện đã khám và phát hiện 440 ca mắc cúm, chủ yếu là cúm A và B. Riêng Khoa Nhi ghi nhận khoảng 50 ca mắc cúm mỗi tuần.

benh-cum-trai-mua-1718880792.jpg
Đang trong những ngày hè, nhưng số ca mắc cúm trên địa bàn Hà Nội lại gia tăng bất thường (Ảnh: Xuân Lộc)

Thời điểm hiện tại đang trong những ngày hè, nhưng số ca mắc cúm trên địa bàn Hà Nội lại gia tăng bất thường. Thậm chí, nhiều trường hợp còn phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết... Điều này, trái với quy luật tự nhiên, khi cúm là bệnh thường gặp và phổ biến trong mùa đông - xuân.

Thạc sĩ, bác sĩ Chu Thị Thu Hà - Khoa Nhi cho biết, từ năm ngoái đến nay, bệnh cúm không còn tuân theo quy luật, thay vì thường gặp vào mùa đông - xuân thì xuất hiện rải rác quanh năm. Những tháng đầu năm, bệnh nhân chủ yếu mắc cúm A. Thời điểm này, số ca mắc cúm B lại gia tăng.

Theo bác sĩ Chu Thị Thu Hà, nguyên nhân bệnh cúm xuất hiện trái mùa là do có sự cộng hưởng của tình trạng “nợ miễn dịch” sau thời gian trẻ ở trong nhà nhiều, giảm tiếp xúc với bên ngoài khi xảy ra đại dịch Covid-19 trước đó. Cộng thêm khả năng xuất hiện các biến thể mới của cúm. Thông thường, bệnh cúm diễn biến lành tính. Tuy nhiên, trường hợp trẻ có sức đề kháng kém, có sẵn bệnh nền khi nhiễm cúm dễ bị nặng, gây viêm phổi, suy hô hấp…

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, có 4 chủng virus cúm mùa là A, B, C và D. Trong đó, virus cúm A và B là 2 chủng chính ở người, có thể tạo thành dịch.

Để phòng bệnh, tiến sĩ Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội Tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) khuyến cáo, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim, khi bị cúm thì dễ trở nặng hơn bình thường. Tuy nhiên, mức độ nhiễm trùng nặng của bệnh cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm tuổi nào. Do đó, cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêm vaccine cúm hàng năm.

Trong khi đó, bác sĩ Chu Thị Thu Hà lưu ý, riêng trẻ nhỏ, nên tăng cường miễn dịch tự nhiên và chủ động bằng bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Thêm vào đó, duy trì thói quen cho trẻ đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc nơi đông người, vệ sinh mũi - họng hàng ngày… Khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh, cha mẹ cần cho con nghỉ học, tránh lây lan ra cộng đồng.

Khi bị cúm người dân thường sử dụng Tamiflu để điều trị. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, không dùng bừa bãi loại thuốc này. Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) được chỉ định dùng cho những trường hợp đặc biệt hoặc biến chứng. Nếu người không bị cúm mà vẫn cho uống Tamiflu sẽ rất nguy hại cho sức khỏe. Đáng lo ngại hơn, nếu dùng thuốc này nhiều lần sẽ xảy ra tình trạng kháng thuốc.

Do đó, khi nghi ngờ bị mắc cúm, người bệnh cần phải đến bệnh viện thăm khám. Khi xác định đúng là mắc cúm, bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị cho người bệnh.

Không chỉ riêng Hà Nội mà một tháng trở lại đây, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cũng đã tiếp nhận và điều trị cho gần 70 ca mắc cúm A, cúm B, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2023. Đa phần số ca mắc cúm A là trẻ em và đã ghi nhận trường hợp diễn biến nặng.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 3.000 ca mắc cúm, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.