Trên chuyến xe trở về Hà Nội vào tối 17/7, vợ chồng anh Đỗ Bá Duy (SN 2001) và chị Bàn Mai Hương (SN 2002) vẫn chưa thôi hoảng hốt về chuyện đã xảy ra trong những ngày qua. Mọi việc bắt đầu từ tháng 6, khi cả 2 quyết định rời quê vào Bình Dương làm việc. Cứ tưởng "thủ phủ công nghiệp" sẽ giúp gia đình nhỏ của anh có được cuộc sống ổn định, ấm no hơn. Nào ngờ...
Tâm trạng vẫn chưa ổn định, vợ chồng anh Duy cho biết, hai người ngụ tại thôn Vân Giang, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Dù chi phí sinh hoạt ở quê không cao, nhưng mức lương công nhân hơn 3 triệu đồng/tháng không đủ để vợ chồng anh nuôi con. Do đó, anh Duy đã lên mạng tìm việc.
Đầu tháng 6 vừa qua, vợ chồng anh thấy quảng cáo tuyển dụng công nhân ở công trình xây dựng tại Khu công nghiệp Bình Dương (tỉnh Bình Dương). Mức lương được hứa hẹn là 6 triệu đồng/tháng. Thêm nữa, chủ còn thông báo sẽ lo hết chi phí di chuyển, đặt sẵn xe khách nên vợ chồng anh Duy quyết định nhận việc.
Vào ngày đi, vợ chồng anh Duy lên đúng chuyến xe mà người chủ thuê đặt, sau đó được trung chuyển thêm một chuyến xe nữa mới tới nơi làm khiến cả hai không hề biết cụ thể mình đang ở đâu. Tại đây, vợ chồng anh Duy được cho ở ký túc xá, bao ăn hàng ngày.
Sau 1 tuần làm việc, chị Hương ngỏ ý muốn được ứng lương để mua sữa cho con, nhưng chủ không đồng ý. Hết 1 tháng, cả hai vẫn không hề thấy chủ nhắc đến chuyện trả lương. Hỏi chủ thì được nói rằng chờ sang tháng sau sẽ đưa luôn 2 tháng lương. Sau đó, nghe người dân nói công ty này từng quỵt lương của nhiều công nhân thì vợ chồng anh Duy mới tá hỏa. Thời điểm rời quê, hai vợ chồng chỉ có vỏn vẹn 1 triệu đồng trong túi. Lúc này đã không còn tiền, cả hai chỉ có thể ôm con đi bộ về quê.
Trên đường về quê, dưới cái nắng chói chang rọi thẳng xuống đỉnh đầu, chị Hương lúc nào cũng nơm nớp lo sợ cho tình trạng sức khỏe của con. Mỗi lúc trời mưa, gia đình 3 người phải vội vã tìm chỗ trú. Không có tiền, vợ chồng đành xin cơm nhà dân để ăn. Tối đến, họ ngủ nhờ nhà dân hoặc ngủ trên vỉa hè, băng ghế đá. Người dân cũng hỗ trợ cả hai bắt xe container dọc đường.
Sau 4 lần đi nhờ xe, vợ chồng chị đến địa phận TP. Đà Nẵng. Khi đến cầu Nam Ô, quận Liên Chiểu, có người biết anh chị đang đi bộ về quê Tuyên Quang thì đã chở đến Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT Công an Đà Nẵng) nhờ giúp đỡ. Các chiến sĩ đã mua cơm cho vợ chồng anh Duy và sữa cho cháu nhỏ.
Trung tá Lê Phước Ngãi - Phó trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Hiệp cho hay, anh em trong trạm đã góp gần 2 triệu đồng hỗ trợ gia đình anh Duy. Do Đà Nẵng không có xe khách chạy tuyến Tuyên Quang, trung tá Ngãi đã liên hệ xe khách giường nằm chạy tuyến TP. HCM - Hà Nội để nhờ hỗ trợ đưa gia đình anh Duy về quê.
Chị Hương chia sẻ, lúc bị quỵt lương, chị có gọi về nhà vay tiền bố mẹ. Nhưng bố mẹ nghèo quá, lại lớn tuổi, bệnh tật nên không biết làm cách nào giúp con. Giờ được về nhà rồi, vợ chồng chị chỉ tìm việc gần nhà, không dám đi xa nữa. Chuyến đi đầu tiên trong đời ra khỏi địa phương đã khiến chị ám ảnh.
Xác minh, xử lý công ty quỵt tiền công
Liên quan đến vụ việc cặp vợ chồng trẻ bị quỵt lương ôm con 9 tháng tuổi đi bộ về quê, sáng 18.7, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết đang xác minh làm rõ sự việc.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, qua thông tin nắm bắt, được biết, gia đình cặp vợ chồng này đang trên đường về quê Tuyên Quang (hiện đang đi ngang qua Hà Nội). Qua trao đổi ban đầu, vợ chồng anh Đỗ Bá Duy không biết tên công ty làm việc, cũng không biết chi tiết khu công nghiệp đã làm việc. Chỉ biết là làm việc lao động tự do, lĩnh vực xây dựng. Hiện người sử dụng lao động đã liên hệ với anh Duy nói "2 ngày nữa sẽ mang giấy tờ tùy thân và lương ra trả".
Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, các đơn vị chức năng đang xác minh làm rõ công ty sử dụng lao động để có hướng xử lý.
Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cũng đang xác minh công ty liên quan. Trường hợp xác định được các hành vi vi phạm trong sử dụng lao động, sẽ xử lý nghiêm.