Bị sương mù bao phủ, chất lượng không khí ở Hà Nội thế nào?

Chỉ số ô nhiễm không khí theo ứng dụng PAM Air tại khu vực Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) lên tới 320. Đây là mức nguy hại tới sức khỏe.

Sáng 2/2, Hà Nội xuất hiện sương mù dày đặc. Chị Nguyễn Mai Chi (40 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, chị sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Nhưng sương mù như sáng nay thì chị chưa thấy bao giờ.

Các chuyên gia khí tượng cho biết, thời tiết miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng tiếp diễn tình trạng mưa nhỏ, mưa phùn kết hợp với nền nhiệt tăng đã gây ra hiện tượng nồm ẩm và sương mù dày đặc vào sáng sớm.

Chất lượng không khí tại nhiều điểm tại Hà Nội trong sáng nay ở mức nguy hại

Sương mù giống như một lớp màn che, lưu lại khói, bụi và các chất độc hại trong không khí, đồng thời ngăn không cho chúng thoát lên khí quyển. Điều này đã khiến không khí ở tầm thấp trở nên ô nhiễm hơn mức bình thường. Thế nên sáng nay, ngoài sương mù thì tại Hà Nội độ ẩm trong không khí cũng cao. Chất lượng không khí nhiều khu vực ở mức rất có hại cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm.

Vào 9 giờ sáng, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội theo ứng dụng PAM Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam) ghi nhận ở mức rất cao: Phố Đội Cấn (quận Ba Đình) chỉ số 290; chùa Láng (quận Đống Đa) chỉ số 293; Quan Hoa (quận Cầu Giấy) chỉ số 246... Đây là mức được đánh giá rất có hại cho sức khỏe. Thậm chí, khu vực Nhân Chính (Thanh Xuân) chỉ số ô nhiễm lên tới 320, ở mức nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo Cục Quản lý môi trường y tế, chỉ số chất lượng không khí được tính theo thang điểm tương ứng với biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe: Màu xanh (0 – 50), màu vàng (51 – 100), màu da cam (101 – 150), màu đỏ (151 – 200), màu tím (201 – 300), màu nâu (301 – 500). Chỉ số AQI từ 151 trở lên là bắt đầu ảnh hưởng tới sức khỏe của người bình thường. Còn với chỉ số AQI 301 trở lên, toàn bộ dân số bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.

Chỉ số chất lượng không khí được tính theo thang điểm tương ứng với biểu tượng và các màu sắc

Theo tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, mùa đông là mùa có nhiều yếu tố làm gia tăng ô nhiễm không khí. Mùa đông nhiệt độ thấp, ít mưa, độ ẩm cao, ít gió… nên độ khuếch tán của không khí giảm, từ đó dẫn đến các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 (bụi mịn) tăng.

Trong những chất lượng không khí ở mức xấu, có hại, người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, không vận động tập thể dục ở ngoài trời. Nếu phải ra đường, người dân nên đeo khẩu trang có thể lọc được bụi mịn. Ngoài ra, người dân cần vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới cứ 10 người thì có 9 người phải đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí đang khiến 7 triệu người tử vong mỗi năm. WHO ước tính, ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí còn khiến 15 triệu người bị đột quỵ mỗi năm trên toàn thế giới.