Cách phân biệt tiền giả, tiền thật trong dịp Tết theo khuyến cáo của cơ quan công an

Để tránh cho người dân và doanh nghiệp nhận, tiêu thụ tiền giả từ các tổ chức tội phạm, mới đây Công an TP. HCM đã đưa ra những cách phân biệt tiền thật - giả cơ bản.
Tờ 500.000 giả (trên) - thật (dưới)

Công an TP. HCM cho biết, thời điểm năm mới là dịp tội phạm lưu hành tiền giả hoạt động mạnh, gây thiệt hại lớn đến kinh tế của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, lợi dụng Tết Nguyên đán, người dân mất cảnh giác, các đối tượng thường đi tiêu thụ tiền giả vào trời tối, những nơi mua bán sầm uất. Thủ đoạn của các đối tượng này là dùng tiền giả mệnh giá lớn để mua các mặt hàng có giá trị thấp để nhận lại tiền thừa; hay dùng tiền giả trộn lẫn vào tiền thật mua hàng để tránh bị phát hiện; sử dụng tiền giả lừa đổi cho người khác để nhận tiền chuyển khoản vào ngân hàng, ví điện tử…

Do vậy, Công an TP. HCM khuyến nghị người dân nêu cao cảnh giác, còn các đơn vị kiểm soát chặt chẽ trước loại tội phạm sử dụng tiền giả. Nếu được, người dân nên hạn chế sử dụng tiền mặt giao dịch hằng ngày để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Để tránh sử dụng phải tiền giả, Công an TP.HCM cũng đã đưa ra hướng dẫn cách phân biệt cơ bản. Bằng mắt thường có thể nhận thấy tiền giả không được sắc nét, bị nhòe mực. Kiểm tra số seri, tiền giả thường có số seri giống nhau.

Soi tờ tiền trước nguồn sáng, với hình bóng chìm in trên tờ tiền, tiền giả không nhìn rõ từ hai mặt, đường nét không tinh xảo, không sắc nét. Khi vò nát tờ tiền, thì tiền thật co giãn về trạng thái ban đầu, trong khi tiền giả sẽ bị nhăn nhúm.

Kiểm tra cửa sổ trong suốt của tờ tiền, tiền giả không có số mệnh giá dập nổi, chi tiết in không rõ nét, tinh xảo.

Tại các vị trí có yếu tố in nổi như chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc huy, mệnh giá bằng số và bằng chữ, dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khi vuốt nhẹ thì tiền thật sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in. Còn tiền giả chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay do vết dập trên nền giấy mà không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2013 của Ngân hàng Nhà nước, tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc, phát hành.