Cao hơn ô nhiễm ngoài trời từ 5 - 10 lần
Theo số liệu từ IQAir, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam thường xuyên vượt quá 8 lần so với mức an toàn, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Hà Nội có nhiều thời điểm ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí AQI vượt ngưỡng 200, thậm chí đạt mức tím - mức cảnh báo nguy hiểm cho sức khỏe. Ô nhiễm không khí tại TP. HCM cũng ngày càng tăng do khí thải từ phương tiện giao thông và các hoạt động công nghiệp.

Tuy nhiên, ô nhiễm không khí không chỉ xảy ra ngoài trời mà còn là vấn đề nghiêm trọng trong không gian sống của nhiều gia đình. Chất lượng không khí trong nhà hiện đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như bụi mịn, khí gas, mùi hôi, nấm mốc và các hợp chất hóa học dễ bay hơi.
Nhiều gia đình không nhận thức đầy đủ về mức độ ô nhiễm trong không gian sống của mình, mặc dù họ dành phần lớn thời gian ở trong nhà. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, dị ứng, và thậm chí là các bệnh nghiêm trọng như ung thư phổi hay bệnh tim mạch.
Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, chất lượng không khí trong nhà trong nhà liên quan chặt chẽ với chất lượng không khí ngoài trời. Tuy nhiên, nó cũng phụ thuộc thêm nhiều yếu tố như hoạt động nấu ăn, vật liệu xây dựng, bụi bẩn và nấm mốc…
Nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay, mức độ ô nhiễm không khí trong nhà ở Việt Nam thường cao hơn ngoài trời từ 5 - 10 lần. Vì vậy, việc kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí trong nhà là yêu cầu cấp thiết đối với ngành xây dựng và thiết kế công trình.
Bà Sophie Ring - nhà khoa học môi trường tại Portsmouth (Anh) chia sẻ, mọi người có thể sẽ ngạc nhiên về các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà. Nấu nướng có thể là nguyên nhân chính tạo ra bụi bẩn, hoặc các hạt bụi thường ẩn náu trong thảm, vải bọc ghế, chăn màn, gối, khăn và đồ nội thất. Ngay cả khi ngồi trên ghế sofa, mỗi khi bạn cựa mình hay khi ngủ, các hạt bụi mịn cũng lơ lửng xung quanh bạn và bạn sẽ hít phải chúng.
Bụi mịn còn tích tụ ở lông vật nuôi, côn trùng, thức ăn thừa, phấn hoa và bào tử nấm mốc. Tất cả những yếu tố này tạo nên một môi trường lý tưởng cho các vi sinh vật phát triển và gây bệnh. Điều kiện thời tiết ẩm ướt cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của bụi mịn và nấm mốc.
Bên cạnh đó, khói thuốc lá cũng được xem là "kẻ thù" của không khí trong lành. Đối với các gia đình có người hút thuốc, không khí tích tụ lâu dài trở nên độc hại, có thể gây ra các bệnh như hen suyễn, viêm phổi, viêm tai, viêm phế quản ở trẻ em, và gia tăng nguy cơ mất trí nhớ ở người cao tuổi.
Các hợp chất hữu cơ và vô cơ dễ bay hơi có trong sơn, dung môi, chất tẩy rửa, nước xịt phòng... cũng có thể là nguồn gây ô nhiễm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí trong nhà là một vấn đề nghiêm trọng, vì khoảng 80% thời gian của con người là sinh hoạt trong không gian đóng. Điều này làm tăng tần suất tiếp xúc với các chất độc hại trong không gian sống. Việc thường xuyên đóng cửa khiến không khí trong nhà khó lưu thông và dần trở nên đặc quánh, tạo ra một không gian ô nhiễm khép kín, đe dọa sức khỏe của con người.

Giải pháp cải thiện không khí trong nhà
Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm không khí trong nhà, giải pháp ngắn hạn, cần có các giải pháp nhằm hạn chế mức độ phơi nhiễm và bảo vệ những nhóm người có nguy cơ cao.
Về lâu dài, cần phải giải quyết tận gốc các nguyên nhân, trong đó bao gồm các nguồn ô nhiễm từ các vật dụng trong nhà. Người dân nên sử dụng các sản phẩm an toàn, lành tính và thực hiện việc dọn dẹp vệ sinh thường xuyên.
Theo nhiều chuyên gia môi trường, một trong những biện pháp hiệu quả để cải thiện chất lượng không khí trong nhà là trồng cây. Các loại cây trồng có khả năng thanh lọc tự nhiên, giúp tăng cường thẩm mỹ cho không gian sống, đồng thời loại bỏ các chất độc hại như benzen và formaldehyde. Những cây có khả năng lọc không khí trong nhà bao gồm cây lan chỉ, cây lưỡi hổ, cây lan ý, lô hội và dương xỉ.
Bên cạnh đó, thường xuyên bảo trì và thay thế bộ lọc của máy điều hòa và máy sưởi cũng góp phần hiệu quả trong việc loại bỏ các chất ô nhiễm. Các thiết bị không được vệ sinh định kỳ có thể phát tán bào tử nấm mốc vào không gian sống và không khí thở.
Các gia đình nên sử dụng máy lọc không khí, đặc biệt là trong những gia đình có trẻ nhỏ hoặc nuôi thú cưng. Máy lọc không khí sẽ xử lý các chất ô nhiễm như bụi, chất gây dị ứng, từ đó giảm nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp và dị ứng.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất sử dụng máy hút bụi thay vì chổi để làm sạch lông thú, mạt bụi sâu trong thảm và các bề mặt trong nhà. Nhiều người còn khuyên nên loại bỏ thảm vì chúng có thể tích tụ nấm mốc, lông thú cưng và các chất bẩn khác. Hút thuốc trong nhà cũng là thói quen cần loại bỏ để cải thiện chất lượng không khí.