Cần lưu ý gì để không bị phạt khi đốt pháo hoa?

Nhiều người dân vẫn chưa phân biệt được “pháo hoa” với “pháo nổ” và “pháo hoa nổ”. Điều này có thể khiến người dân vô tình vi phạm pháp luật.

Anh Hoàng Văn Trường (Kiến Xương, Thái Bình) đang liên hệ với người bán pháo hoa cho anh năm ngoái để đặt hàng. Anh chia sẻ, năm ngoái được phép đốt pháo hoa, anh đã mua 2 giàn với giá hơn 2 triệu đồng về đốt đêm giao thừa. Năm nay, gia đình anh vừa tân gia nên càng phải mua pháo đốt ăn mừng. Tuy nhiên, người bán pháo cho anh năm ngoái trả lời hiện người này đang bị cháy hàng, có sẽ báo lại với anh.

Anh Trường chia sẻ, năm trước nghe loa của xã thông tin về việc đốt pháo, anh cũng năm được một chút quy định về đốt pháo hoa. Thế nên, anh mua đúng pháo hoa của nhà máy Z121 dù giá cả đắt hơn nhiều pháo hoa cùng loại của Trung Quốc.

Pháo hoa được phép sử dụng

Cứ đến Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng pháo của người dân lại tăng cao. Lợi dụng điều này, nhiều kẻ đã kinh doanh pháo trái phép, lừa bán cho người dân các loại hình pháo không được phép sử dụng.

Dù chính quyền các địa phương đều tuyên truyền tới người dân về pháo nào được sử dụng, pháo nào không. Thế nhưng nhiều người dân vẫn chưa phân biệt được “pháo hoa” với “pháo nổ” và “pháo hoa nổ”. Điều này có thể khiến người dân vô tình vi phạm pháp luật.

Trong khoản 1 Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo có ghi rõ: Pháo được phép sử dụng (pháo hoa) là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Pháo nổ được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Pháo hoa nổ là pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Các cơ quan, tổ chức sử dụng pháo hoa nổ để biểu diễn, thi đấu thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp.

Nhiều người dân vẫn chưa phân biệt được “pháo hoa” với “pháo nổ” và “pháo hoa nổ”

Người dân có thể hiểu một cách đơn giản pháo nổ chứa thuốc pháo nổ và gây ra tiếng nổ. Pháo hoa nổ cũng chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, gây ra tiếng rít, tiếng nổ, có màu sắc. Còn loại pháo hoa được phép sử dụng, chứa thuốc pháo hoa, không gây ra tiếng nổ, có âm thanh, ánh sáng, màu sắc.

Không chỉ là sử dụng, người dân cũng cần lưu ý tuyệt đối không được mua pháo của các cơ quan, tổ chức không được phép kinh doanh, hay mua các cá nhân, qua các trang mạng xã hội không được cơ quan chức năng cấp phép, mua pháo lậu, pháo không hóa đơn, không nguồn gốc, xuất xứ… Các tổ chức, doanh nghiệp không thuộc Bộ Quốc phòng và các cá nhân kinh doanh pháo hoa là vi phạm quy định của pháp luật.