Tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp tâm thu lớn hơn 140mmHg, huyết áp tâm trương lớn hơn 90mmHg hoặc đang dùng thuốc điều trị. Hai biến chứng nổi bật của tăng huyết áp là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Theo Thống kê Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tăng huyết áp trên thế giới khoảng 37%, tức cứ 3 đến 4 người thì có một người mắc. Ở Việt Nam, các thống kê ghi nhận có 25% nam và 21,6% nữ mắc bệnh.
Điều đáng lo lắng là thời gian qua, các bệnh viện lớn trên cả nước tiếp nhận khá nhiều người trẻ mới 20 - 30 tuổi đột quỵ xuất huyết não, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế, nguyên nhân là do không biết mình bị tăng huyết áp hoặc chủ quan với bệnh này.
Xác nhận điều này, TS.BS Tạ Vương Khoa - Phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 cho hay, trước đây tỉ lệ người trẻ đột quỵ vào bệnh viện chỉ khoảng 7 - 8%, nhưng nay đã tăng gấp đôi.
Như mới đây, khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Quân y 175) tiếp nhân điều trị cho một bệnh nhân nam 30 tuổi bị đột quỵ. Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân cho biết chưa từng đi tầm soát sức khỏe. Rồi đột nhiên, bệnh nhân bị yếu liệt nửa người, khi nhập viện đã trong tình trạng xuất huyết não cùng huyết áp rất cao. Thời gian nằm viện, ngày nào huyết áp của bệnh nhân cũng cao.
Bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân cao huyết áp từ trước nhưng không biết, đột quỵ là hậu quả của tăng huyết áp. Bệnh nhân được kiểm soát đưa về huyết áp mục tiêu tránh tái xuất huyết, điều trị chống phù não và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Sau điều trị, bệnh nhân có hồi phục nhưng vẫn có di chứng yếu nửa người, nói ngọng.
Một trường hợp khác là một bệnh nhân 36 tuổi bị đột quỵ trong lúc ngủ. Tối hôm trước, người này có đi uống rượu rồi về nhà ngủ. Hôm sau, người nhà gọi mãi không thấy tỉnh nên đưa đến bệnh viện. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt nửa người, ý thức lơ mơ. Kết quả thăm khám và chụp phim cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương não quá nặng, quá trễ thời gian vàng nên không thể chỉ định tái thông.
Bệnh nhân được điều trị tích cực, chống phù não bằng nội khoa. Tuy nhiên đến ngày thứ 6 nhập viện, bệnh nhân diễn tiến phù não ác tính, phải phẫu thuật mổ sọ giải áp. Mặc dù được cứu nhưng bệnh nhân phải sống thực vật.
Hiện bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Ngoài bệnh lý bẩm sinh hay gene, nguyên nhân hàng đầu khiến người trẻ đột quỵ là do môi trường sống, sinh hoạt, tăng huyết áp… Bác sĩ Khoa nhận định, ngày nay người trẻ chịu nhiều áp lực cuộc sống, thường xuyên căng thẳng, chế độ sinh hoạt không hợp lý, cùng với việc lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ít vận động nên dễ mắc phải bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu… Đây là các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch Hội tĩnh mạch học TP. HCM, giảng viên Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, mô hình bệnh tật ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Các bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng, còn các bệnh lây nhiễm lại giảm.
Tăng huyết áp là bệnh không lây nhiễm đang có ngày càng nhiều người mắc và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trước đây, bệnh thường xuất hiện ở người từ 50 tuổi trở lên, song nay giảm dần độ tuổi. Tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp dưới 30 tuổi chiếm đến 10 - 15%.
Bệnh tăng huyết áp phổ biến nhưng không có triệu chứng hay rất ít triệu chứng ở giai đoạn đầu, thường phát hiện khi đi khám bệnh khác hoặc khám sức khỏe định kỳ. Nhiều trường hợp có triệu chứng thì bệnh đã khá nặng, đến độ 2 hoặc 3 rồi khiến đây là lý do khiến tăng huyết áp "âm thầm quật ngã nhiều người trẻ".