Cảnh đìu hiu tại căn biệt thự cổ 700 tỷ đồng mà bị cáo Trương Mỹ Lan xin không kê biên

Nhìn từ bên ngoài, ít ai nghĩ công trình biệt thự cổ đang ngổn ngang vật liệu xây dựng này đã được chủ nhân mua với giá 35 triệu USD.

Ngày 15/3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử các bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Dù có hàng loạt bất động sản có giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng trên khắp cả nước, nhưng bị cáo Trương Mỹ Lan lại chọn căn biệt thự cổ tại địa chỉ 110 - 112 Võ Văn Tần (Quận 3, TP.HCM) để xin tòa án không kê biên.

Căn biệt thự cổ có giá hơn 700 tỷ đồng có gì đặc biệt khiến "bà trùm" này xin không kê biên? Theo tìm hiểu của phóng viên Đô Thị Mới, căn biệt thự cổ được xây dựng từ những năm 1920 – 1930. Diện tích toàn bộ khu đất rộng 2.800 m2. Chủ nhân ban đầu của căn biệt thự là ông Sáu Nhiều (tên thật là Nguyễn Văn Nhiều). Sau khi xây dựng xong, ông này bán cho một đại gia Sài Gòn và được đặt tên là biệt thự Phương Nam.

screenshot-184-1710685075.png

Toàn cảnh nhìn từ trên cao của căn biệt thự mà Trương Mỹ Lan xin không kê biên

Một thời gian sau, căn biệt thự này thuộc về cụ Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và Nguyễn Kim Sa Dang (sinh năm 1934. Cụ Nguyễn Kim Sa Dang quốc tịch Mỹ, còn cụ Đặng Kim Chi sống tại chính căn nhà trên. Đến năm 2015, Trương Mỹ Lan thông qua Công ty cổ phần Minerva mua lại căn biệt thự trên với giá 35 triệu USD.

Kiến trúc của căn nhà được thiết kế theo phong cách biệt thự Pháp cổ nên những người dân sống xung quanh gọi ngôi biệt thự là “nhà Pháp”. Các chuyên gia đánh giá, biệt thự này có thể sánh ngang Nhà Hát Lớn thành phố, TAND thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật… về kiến trúc lẫn giá trị lịch sử của nó. Còn theo các nhà phong thủy, biệt thự là “đầu rồng” của “long mạch” trải dài đến đường Lý Tự Trọng.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan đưa ra lý do xin HĐXX không kê biên bất động sản này vì căn biệt thự cổ không mua bán được mà cần phải bảo tồn, đó là di tích của Việt Nam.

Cảnh đìu hiu tại căn biệt thực triệu đô

Sau khi mua lại ít năm, do căn biệt thự đã xuống cấp, năm 2019 UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho chủ sở hữu căn biệt thự được sửa chữa, trùng tu. Tuy nhiên, việc trùng tu đã phải tạm dừng từ tháng 10/2022 sau khi người đứng đầu tập đoàn Vạn Thịnh Phát vướng vào lao lý.

Theo quan sát của phóng viên Đô Thị Mới, căn biệt thự có 3 mặt tiền nằm trên đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu. Trong đó, 2 cổng chính nằm trên đường Võ Văn Tần, cổng còn lại nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan.

2-1710685211.jpg

Các bức tường bên ngoài căn biệt thự đã gần như hoàn thiện

Hiện tại, phía bên ngoài căn biệt thự cổ các bức tường đã gần như hoàn thiện cơ bản. Tuy nhiên, các dấu vết về một công trường xây dựng dở dang thì vẫn dễ dàng nhận ra ngay từ bên ngoài. Cổng chính của căn biệt thự để bảng thông tin là dự án The Villa do Công ty cổ phần Minerva làm chủ đầu tư. Cổng khóa kín nhưng người đi bên ngoài vấn có thể quan sát vào và thấy các vật dụng xây dựng ngổn ngang, các hạng mục xây dựng chưa hoàn thiện.

canh-diu-hiu-tai-can-biet-thu-co-700-ty-duoc-ba-truong-my-lan-xin-toa-an-khong-ke-bien-1710684921.jpg

Biệt thự có thông tin hiện tại là dự án The Villa

Phía trước cổng, một số rác thải dường như được để ở đó từ lâu. Tại một cổng khác, có 2 người đàn ông ngồi phía trước. Khi chúng tôi tiến tới hỏi thăm về căn biệt thự, họ cho biết là bảo vệ căn biệt thự, sau đó không nói gì mà bỏ đi vào trong, khóa chặt cổng.

1-1710685399.jpg

3-1710685450.jpg

Bên ngoài căn biệt thự, một số người tận dụng vỉa hè bán hàng rong

Một số người bán hàng rong bên ngoài căn biệt thự cho biết, họ nghe nói là căn biệt thự của bà Trương Mỹ Lan chứ không biết gì thêm. “Căn biệt thự có lâu lắm rồi, nghe nói bà Lan mua lại chứ tôi cũng chưa bao giờ thấy bà ấy. Mấy năm nay thì đóng cửa luôn, không có ai ra vào”, một người bán hàng rong chia sẻ.