CEO BKAV làm Chủ tịch Ủy ban Đạo đức trí tuệ nhân tạo của VINASA

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) vừa công bố thành lập Ủy ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái AI – nơi đổi mới sáng tạo được phát triển trong khuôn khổ đạo đức, đảm bảo khả năng cạnh tranh toàn cầu và bảo vệ các giá trị xã hội. Ông Nguyễn Tử Quảng – CEO BKAV sẽ giữ chức Chủ tịch Ủy ban này.

Theo VINASA, Ủy ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo (Ủy ban) có sứ mệnh định hướng lộ trình phát triển AI của Việt Nam, đảm bảo được việc phát triển AI theo chuẩn mực đạo đức của Việt Nam, đảm bảo cho quá trình đổi mới sáng tạo song hành với lợi ích xã hội và thúc đẩy môi trường pháp lý thuận lợi cho AI.

Ủy ban cũng sẽ là cầu nối hợp tác quốc tế và cố vấn cho chính phủ Việt Nam trong thời gian tới. Nhiệm vụ chính của Ủy ban gồm phát triển tiêu chuẩn an toàn AI, phân tích rủi ro và nâng cao nhận thức về AI có trách nhiệm cho các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và người dân.

thanh-lap-uy-ban-dao-duc-ai-1733459791.png
Đại diện Vinasa, ông Yoshua Bengio và các thành viên thành lập Ủy ban Đạo đức AI

Ông Nguyễn Tử Quảng – CEO BKAV, kiêm Phó Chủ tịch VINASA được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Đạo đức AI. Theo ông này, những khuôn khổ mà Ủy ban đặt ra chủ yếu mang tính định hướng, giúp việc phát triển AI trong nước được tối đa, hạn chế những tác động tiêu cực, tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ mới một cách bền vững và phù hợp với các giá trị xã hội.

Trong bối cảnh phát triển AI toàn cầu với những tranh cãi trái chiều, việc thành lập Ủy ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo đã phản ánh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đồng hành cùng cộng đồng quốc tế để giải quyết những thách thức và khai thác cơ hội phức tạp mà AI mang lại cho con người.

Chia sẻ tại sự kiện thành lập Ủy ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo của VINASA, Giáo sư Yoshua Bengio, một trong những người được mệnh danh là "cha đỡ đầu của AI" cho biết: "Khi chúng ta khám phá tiềm năng của AI, điều quan trọng là ưu tiên quy chuẩn về an toàn và đạo đức. Thách thức không chỉ nằm ở việc tiến xa trong AI, mà còn ở việc ứng dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm, cũng như đảm bảo nó đang phục vụ nhân loại, không làm tổn hại đến các giá trị cốt lõi".

"Việc thành lập Ủy ban Đạo Đức AI là bước đi quan trọng để dẫn dắt Việt Nam đến một tương lai phát triển AI phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu về minh bạch, trách nhiệm và lợi ích xã hội", ông khẳng định.

Trước đó, nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới đã bắt đầu đưa ra quy định cụ thể về đạo đức AI, trong đó có luật EU AI Act của châu Âu, Nguyên tắc AI của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hay Khuyến nghị AI có đạo đức của UNESCO… Tất cả các quy định đều hướng tới việc thiết lập các tiêu chuẩn quan trọng về tính minh bạch, trách nhiệm và công bằng trong quản trị AI.

phat-trien-ai-co-dao-duc-1733460137.jpg
Phát triển AI có đạo đức đang là vấn đề mà các quốc gia, các tổ chức trên thế giới đều đang quan tâm, định hướng.

Tại Việt Nam, từ tháng 5/2024, đại diện Bộ Công an đã cho rằng cần sớm phải hoàn thiện hành lang pháp lý về trí tuệ nhân tạo, bao gồm các quy định về trách nhiệm nếu AI bị lợi dụng để phạm tội. Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư (Bộ Công an) đánh giá AI là công nghệ quan trọng, có thể mang lại đột phá cho phát triển kinh tế, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền riêng tư của người dân.

Đến tháng 6/2024, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cũng chia sẻ cần phải có các nghiên cứu đánh giá các tác động của AI đến cuộc sống và đề ra các giải pháp với gia đình, xã hội, giáo dục… để phù hợp với bối cảnh mới.