Có gần chục tỷ đồng, chuyên gia tư vấn “bỏ” vào kênh đầu tư nào để sinh lời?

Có khoản tiền lớn nhưng chưa có kinh nghiệm và hiểu biết để đầu tư, nhiều người không khỏi băn khoăn nên đầu tư vào kênh nào trong năm nay để vừa sinh lời, vừa an toàn.

Vợ chồng anh Đào Đăng Dương (SN 1983), Hà Nội) đều làm công nhân viên chức bình thường với tổng thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng. Nhưng mới đây, gia đình anh có căn nhà mặt đường (do bố mẹ để lại), trước đây vẫn cho người ta thuê thuộc diện giải phóng mặt bằng làm dự án. Số tiền đền bù dự kiến khoảng gần 7 tỷ đồng. Không có nhiều kinh nghiệm kinh doanh bên ngoài nhưng sắp sở hữu khoản tiền lớn nên vợ chồng anh Dương cũng đang tính toán sử dụng sao cho sinh lời và hạn chế trượt giá.

Đưa ra tư vấn về trường hợp này, bà Trần Thị Thanh Mai - Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho biết, khi sở hữu thêm số tiền lớn trên, việc đầu tư thông minh và phân bổ số tiền khôn ngoan sẽ là điều quyết định sự thành công của kế hoạch tài chính.

hj-1714298125.jpeg
Có nhiều kênh đầu tư như vàng, chứng khoản, gửi tiết kiệm...

Theo vị chuyên gia, có rất nhiều lựa chọn kênh đầu tư như: Bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ... Tuy nhiên, với cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ cần có mức độ hiểu biết nhất định hoặc sự hỗ trợ, đồng hành của các chuyên gia am hiểu.

Đối với trường hợp tự đầu tư và chưa có nhiều hiểu biết thì nên phân bổ khoảng 50% số tiền vào bất động sản đầu tư cho thuê. Đây được đánh giá là phân khúc có tình an toàn cao, đảm bảo dòng tiền và có sự tăng trưởng tài sản nhất định.

Bà Mai cũng khuyên rằng, người dân có thể cân nhắc phân bổ 30% số tiền vào phân khúc đất nền dân sinh có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai. Ví dụ như khu vực sẽ có hạ tầng tốt trong ít nhất 3 đến 5 năm tới. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự nắm bắt kỹ lưỡng về thị trường và các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau này.

Đối với 20% còn lại, chuyên gia tài chính tư vấn nên “bỏ” vào quỹ dự phòng và các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền gửi tiết kiệm và vàng. Trường hợp đã có quỹ dự phòng, tiền gửi tiết kiệm và vàng thì số tiền còn lại đó có thể mua trái phiếu hoặc quỹ trái phiếu uy tín, an toàn qua sự tư vấn của các chuyên gia.

Vị chuyên gia cũng nhận định, lập kế hoạch tài chính cá nhân là một quá trình phức tạp. Bên cạnh đó, việc đầu tư luôn đi kèm với rủi ro và tìm sự tư vấn từ các chuyên gia có kinh nghiệm là điều cần thiết.

70887aaa-4898-432e-854a-7fbd3b6f9938-1714298063.jpeg
Các chuyên gia tài chính trả lời câu hỏi đầu tư tiền vào đâu để sinh lời

Từng có những lời khuyên cho nhà đầu tư, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, 2024 được dự báo là năm nền kinh tế có thể được vực dậy và phục hồi. Nếu nền kinh tế tăng trưởng ở mức 6-6,5%, các thị trường tài chính sẽ phát triển theo.

Trong tất cả các kênh đầu tư, chứng khoán là kênh đầu tư có sự biến động trong nửa đầu năm và ổn định ở 6 tháng cuối năm. Thị trường bất động sản cũng sẽ diễn biến tương tự.

Trong khi đó, vàng được dự báo sẽ tăng giá trong năm nay, còn với kênh tiền gửi, lãi suất hiện tiếp tục giảm, có thể nửa năm sau, lãi suất sẽ tăng. Nguyên nhân là do khi nền kinh tế phục hồi, các ngân hàng sẽ huy động vốn nhiều để cho vay.

Để đầu tư sinh lời, chuyên gia tài chính “mách nước”, có thể phân chia số tiền đang có vào nhiều kênh. Cụ thể, 1/3 gửi vào ngân hàng, 2/3 “bỏ” vào vàng, chứng khoán và bất động sản.

Tuy nhiên, chứng khoán và bất động sản phải đợi đến nửa năm sau mới có cơ hội tăng trưởng mạnh. Còn nửa đầu năm nay, vàng là kênh có thể xem xét. Tuy nhiên, kim loại quý này là kênh đầu tư trú ẩn an toàn, không nên “lướt sóng”. Đối với kênh bất động sản, nếu đầu tư đúng phân khúc vẫn có thể “xuống tiền”.