Có nên giữ những lễ hội phản cảm để đảm bảo yếu tố truyền thống?

Lễ hội là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt Nam, phản ánh sâu sắc những giá trị truyền thống, tín ngưỡng và ước vọng của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những lễ hội mang tính văn hóa cao đẹp, một số lễ hội ở Việt Nam lại bị chỉ trích vì tính chất bạo lực và phản cảm.

Theo truyền thống, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) gắn liền với tục thờ cúng thủy thần và hiến sinh lâu đời của người dân nơi đây. Lễ hội lưu giữ bản sắc, nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân với khát vọng, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc...

Lễ hội được tổ chức vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên năm nay do chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3, Đồ Sơn đã tổ chức lễ hội muộn hơn chục ngày. Dù lễ hội vẫn được duy trì thường niên mỗi năm, thu hút hàng vạn người từ khắp nơi đổ về, nhưng cũng vấp phải luồng tranh cãi lớn về giá trị nhân văn, nhân đạo.

choi-trau-1727336170.jpg
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm nay tổ chức muộn do ảnh hưởng của cơn bão số 3

Bởi bản chất của lễ hội là những cuộc đấu quyết liệt giữa các con trâu, thường dẫn đến cảnh tượng máu me và đau đớn. Sau khi chọi, trâu thua sẽ bị giết thịt ngay tại chỗ để dâng lên thần linh. Lễ hội này không chỉ bị phê phán vì tính chất bạo lực mà còn vì sự nguy hiểm đối với người tham gia, đặc biệt là sau vụ tai nạn năm 2017 khiến một chủ trâu tử vong. Từ đó, câu chuyện giữ hay bỏ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vẫn là đề tài thảo luận của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và cả người dân.

Cũng gây tranh cãi về vấn đề giữ hay bỏ là lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh. Trong lễ hội này, người dân sẽ thực hiện nghi thức chém lợn giữa đám đông, với niềm tin nghi lễ này mang lại may mắn và thịnh vượng cho cả làng. Hình ảnh máu me của những con lợn bị chém công khai bị coi là phản cảm và bạo lực. Các tổ chức bảo vệ động vật đã lên án mạnh mẽ lễ hội này. Nhiều ý kiến cũng cho rằng nên thay thế các yếu tố bạo lực bằng các hình thức khác phù hợp hơn với thời đại.

Bị phản ứng dữ dội, từ năm 2016, hai “ông lợn” đã được đưa vào khu vực kín, được quây bạt giết thịt tế Thánh chứ không chém lợn ở giữa sân đình như trước. Theo những người tổ chức lễ hội, việc này giúp đảm bảo yếu tố truyền thống, mà không bị phê phán là phản cảm.

choi-trau-2-1727336170.jpg
Lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh

Không chỉ dừng lại ở động vật, một số lễ hội ở Việt Nam còn gây tranh cãi vì các hành vi bạo lực và hỗn loạn liên quan đến con người. Lễ hội phết Hiền Quan tại Phú Thọ, nơi người dân tranh giành những quả phết nhằm cầu may, thường xuyên diễn ra trong tình trạng hỗn loạn và chen lấn.

Những người tham gia có thể dùng vũ lực để giành lấy quả phết, gây ra nhiều vụ ẩu đả, thậm chí là chấn thương. Mặc dù lễ hội này mang ý nghĩa cầu tài lộc, nhưng việc sử dụng bạo lực trong quá trình tham gia khiến nhiều người phản đối.

Một vấn đề nổi cộm khác là sự biến tướng của các lễ hội do yếu tố thương mại hóa và mê tín dị đoan. Một số lễ hội như cướp lộc, cướp phết đã trở thành sân chơi cho các nhóm cá độ, đặt cược, biến tướng thành những sự kiện không còn giữ được ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng ban đầu.

Hình ảnh người dân chen lấn, xô đẩy, tranh giành lộc trong những lễ hội như vậy gây phản cảm, khiến dư luận không khỏi bức xúc. Những hiện tượng này không chỉ làm mất đi giá trị văn hóa mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia, tạo ra hình ảnh tiêu cực về các lễ hội truyền thống.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Với một số lễ hội còn để xảy ra hiện tượng phản cảm, chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, bạo lực và duy trì những tập tục không phù hợp với xu hướng của xã hội, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, Bộ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chấn chỉnh ngay.

Ngoài ra, Bộ cũng đã cử các đơn vị chuyên môn đến trực tiếp trao đổi với địa phương, nhằm tìm ra các giải pháp tổ chức lễ hội phù hợp hơn, đảm bảo các hoạt động diễn ra an toàn, lành mạnh và đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Việc giám sát và nhắc nhở Ban tổ chức lễ hội để loại bỏ các biểu hiện phản cảm cũng được thực hiện thường xuyên, góp phần đưa các quy định quản lý lễ hội vào thực tiễn.

Nhiều địa phương đã thực hiện thay đổi, cải tiến lễ hội theo hướng an toàn, văn minh, giảm thiểu yếu tố bạo lực và phản cảm. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển các lễ hội này sao cho vừa giữ được bản sắc văn hóa, vừa phù hợp với xu hướng hiện đại, vẫn là một bài toán khó.