Đã có tới 11 startup Việt được định giá trên 100 triệu USD

Việt Nam hiện đang có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có khoảng 11 đơn vị được định giá trên 100 triệu USD và vẫn đang có nhiều tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian tới.

Thông tin được chia sẻ tại Lễ hưởng ứng ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024 được tổ chức tại Bộ Khoa học và công nghệ sáng ngày 19/4. Sự kiện đã tổng quát thực trạng hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong suốt 13 năm qua cũng như tôn vinh các doanh nghiệp đi đầu, tiêu biểu.

bo-truong-khcn-1713519495.png
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện sáng ngày 19/4.

Theo Bộ Khoa học và công nghệ, năm 2023, Việt Nam đang có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup). Trong đó có 11 doanh nghiệp được các tổ chức định giá ở mức trên 100 triệu USD, đứng thứ 3 khu vực về số các thương vụ đầu tư cho lĩnh vực, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng đang được đánh giá cao nhờ sự đa dạng, phát triển nhanh, mạnh mẽ, đang từng ngày tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới, kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ trình độ, năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

dmst-1713519578.jpg
Quá trình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thời gian qua đang có sự tăng tốc mạnh mẽ, đem đến nhiều thành tựu đáng kể cho nền kinh tế.

Hiện, Việt Nam đang đứng thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế, là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều thành tựu về công cuộc đổi mới sáng tạo thời gian qua.

Đáng lưu ý, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong tương lai. Đặc biệt là tiềm năng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) – vốn chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trong cả nước.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, từ năm 2017, Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố hằng năm đã được Chính phủ sử dụng như một công cụ quan trọng nhằm tham khảo, xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy các startup ở Việt Nam. Trong các năm qua, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện (tăng từ vị trí 59 năm 2016 lên vị trí 46 năm 2023). 

Đặc biệt, từ năm 2023, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) đã chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cả nước. Từ đó, cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, vai trò của đổi mới sáng tạo vẫn chưa tương xứng với mức độ phát triển của quốc gia và xu hướng của thế giới. “Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào vốn và lao động sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này rất cần sự vào cuộc, sự chung tay góp sức của các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết thêm, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn về đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới để góp phần trực tiếp vào việc tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

Cũng chia sẻ tại sự kiện, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian vừa qua là rất đang kể, năm 2023, Việt Nam xếp ở vị trí số 46/132 quốc gia về GII, đứng đầu trong số các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Sự tiến bộ này là trung tâm của việc đạt được tầm nhìn của Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thu nhập cao vào năm 2045 và Liên hợp quốc ủng hộ hành trình của Việt Nam đến mục tiêu này”.

Năm nay, chủ đề đổi mới sáng tạo được Việt Nam lựa chọn là “Inspire” - truyền cảm hứng, phản ánh vai trò quan trọng của giáo dục trong việc nuôi dưỡng tâm trí sáng tạo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trong việc bổ sung sức mạnh cho thanh niên trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Đây là lĩnh vực mà Việt Nam và Liên hợp quốc tại Việt Nam đều đang rất quan tâm.  “Hành trình để Việt Nam đạt được các Tiêu chí phát triển bền vững vào năm 2030 và khát vọng của Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thu nhập cao vào năm 2045 phụ thuộc rất nhiều vào đổi mới sáng tạo. Chúng không chỉ là công cụ mà còn là bản chất để đưa Việt Nam trở thành một trung tâm vùng lãnh thổ của đổi mới sáng tạo”, bà Pauline Tamesis cho biết.