Chi 35% thu nhập cho ở trọ
TP. HCM hiện có nhiều kiểu phân loại nhà trọ, từ những phòng nhỏ chỉ đủ để một chiếc giường đến các phòng đầy đủ nội thất và tiện nghi. Một chiếc cửa sổ đón nắng hay ban công cũng trở thành yếu tố quan trọng trong việc định giá. Tuy nhiên, người thuê thường phải đối mặt với những khoản phí điện, nước vượt trần và các dịch vụ đi kèm khó hiểu.
Chị Nguyễn Thanh Trang (quận 5, TP. HCM) đang làm cho một công ty công nghệ với thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Chị Trang cho biết, phòng trọ chị đang thuê nằm ở tầng trệt, có máy điều hòa và nhà vệ sinh riêng nhưng không có cửa sổ. Ngoài giá phòng 3,5 triệu đồng/tháng, các chi phí khác chị phải trả hàng tháng: Điện 3.800 đồng/kWh, nước 20.000 đồng/m³, phí rác và dịch vụ 150.000 đồng, wifi 100.000 đồng… Tổng chi phí mỗi tháng khoảng 4,2 triệu đồng, tương đương 35% thu nhập.
Chị Trang cho hay, sau khi trả tiền nhà, ăn uống và các chi phí khác, chị gần như không còn tiền dư. Những tháng phát sinh thêm đám hiếu, đám hỉ, tham bệnh… chị càng phải chắt bóp, thậm chí vay mượn bạn bè.
Chị Trang bộc bạch, tại khu trọ, phòng chị là rẻ nhất. Nó nằm ở tầng trệt, ngay bãi giữ xe nên rất ồn ào. Khi mới dọn vào, phòng còn ẩm thấp, mốc meo, phải mất thời gian yêu cầu chủ nhà sửa sang. Nhưng với mức lương hiện tại, chị không thể chi nhiều hơn cho chỗ ở.
Tương tự, chị Phan Minh Vy (quận 10) chia sẻ, mức lương của chị chỉ là 8 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, lương chỉ đủ để trả tiền trọ, ăn uống và các chi tiêu cơ bản. Hiện tại, chị Vy đang ở ghép với bạn trong một phòng trọ nhỏ trên đường Tô Hiến Thành, với giá 4,5 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả điện nước và các chi phí phát sinh, tổng cộng khoảng hơn 5 triệu đồng, tức mỗi người phải trả khoảng 2,7 triệu đồng/tháng.
Trước đây, chị từng ở ký túc xá tư nhân để tiết kiệm chi phí, nhưng cảm thấy quá bất tiện do không gian sinh hoạt chật hẹp, ồn ào khi có tới 8 người một phòng. Chị nhiều lần bực bội vì nửa đêm có bạn cùng phòng nấu mì và mở điện thoại rất ầm ĩ.
Chị bảo, có lúc chị nghĩ đến việc về quê để giảm bớt áp lực, khi tháng nào cũng không dư dả, thậm chí phải vay mượn bạn bè. Hiện tại, ngoài công việc chính, chị làm gia sư buổi tối. Chị làm việc cả trong ngày lễ, chỉ có thêm chút tiền phòng những lúc khẩn cấp.
Gian nan thuê phòng trọ
Năm 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã thực hiện một khảo sát trực tuyến với sự tham gia của 1.200 lao động di cư trong nước và 41 doanh nghiệp thuộc ngành may mặc, da giày và điện tử tại TP. HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Khảo sát cho cho thấy, chi phí nhà ở chiếm một phần lớn trong ngân sách của người lao động di cư khi họ rời quê hương để tìm việc ở các tỉnh khác.
Mỗi người lao động phải chi từ 1,2 - 1,5 triệu đồng cho việc thuê nhà hàng tháng, trong khi thu nhập bình quân của họ khoảng 8,07 triệu đồng. Điều này có nghĩa là chi phí thuê nhà trọ chiếm từ 14,8% - 18,5% thu nhập hàng tháng. Ngoài ra, khảo sát cũng chỉ ra, 78,7% người lao động hiện đang sống trong nhà hoặc phòng trọ thuê, 16,1% ở nhà của gia đình và 5,1% ở nhờ nhà họ hàng.
Anh Nguyễn Minh, một môi giới phòng trọ trên mạng xã hội, cho biết hiện nay rất khó để tìm được một căn phòng dưới 2,7 triệu đồng/tháng, ngay cả khi chấp nhận phòng kín, không nội thất. Với mức giá này, nếu muốn thuê ở khu vực gần trung tâm (bán kính 5 - 7 km), chỉ có thể tìm những phòng xấu, kém chất lượng, hoặc lựa chọn thuê sleep box (hộp ngủ) hay ký túc xá tư nhân.
Chi phí dành cho thuê nhà với người lao động có thu nhập thấp vốn đã chiếm phần lớn tiền lương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế còn đánh giá, chi phí này sẽ có xu hương tăng thêm khi giá nhà trọ liên tục tăng cao trong thời gian gần đây. Như tại TP. HCM, Sở Xây dựng TP.HCM dự kiến đề xuất nhà thuê trọ phải đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu là 5 mét vuông sàn/người. Điều này có thể dẫn đến tình trạng sửa chữa khu trọ để đạt điều kiện kinh doanh, từ đó nâng giá thuê phòng.
Hiện tại, trên địa bàn TP. HCM có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân, được chia thành hai nhóm: Nhóm 1 gồm 34.800 dãy phòng cho thuê độc lập, có thể tối đa phục vụ hơn 943.000 người thuê. Nhóm 2 là các nhà ở riêng lẻ, được ngăn chia thành từng phòng cho thuê với 25.670 công trình, phục vụ tối đa hơn 486.000 người.
Theo khảo sát ban đầu của Sở Xây dựng, có khoảng 12.800 công trình (chiếm 21% tổng số) không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cần thiết để tiếp tục hoạt động. Trong số này, khoảng 4.600 công trình không đạt tiêu chí về diện tích sàn bình quân tối thiểu và 8.200 công trình không đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Những công trình này cần thực hiện chuyển đổi để đạt tiêu chuẩn quy định nếu muốn duy trì hoạt động.
Theo Sở Xây dựng TP. HCM, đề án này nhằm quản lý chặt chẽ việc cho thuê nhà ở riêng lẻ, đồng thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ và bảo vệ an toàn cho người dân, cân bằng giữa an sinh xã hội và lợi ích của chủ nhà trọ cũng như người thuê. Dựa trên kết quả của đề án, dữ liệu toàn bộ nhà trọ trên địa bàn sẽ được cập nhật, phân loại theo tiêu chuẩn an toàn, và tích hợp vào ứng dụng di động. UBND TP cũng sẽ ban hành quy định về diện tích tối thiểu và tiêu chí an toàn phòng cháy chữa cháy cho các nhà ở riêng lẻ cho thuê.