Theo thông kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 5/2023, cả nước có 398 khu công nghiệp với khoảng 7 triệu lao động. Trong đó, hơn 50% người lao động có nhu cầu về nhà ở. Trong khi đó, tỷ lệ nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mới chỉ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu.
Thu nhập cản bước tiếp cận nhà ở của công nhân
Tại Hội thảo “Vấn đề nhà ở cho công nhân lao động di cư – thực trạng và giải pháp”, TS. Nhạc Phan Linh – Phó Viện trưởng phụ trách Viện công nhân và công đoàn đã chia sẻ thực trạng “nơi ăn, chốn ở” của công nhân tại các khu công nghiệp.
TS. Nhạc Phan Linh dẫn số liệu một khảo sát trong năm 2024 cho thấy, gần 54% người lao động di cư (ở địa phương khác đến làm việc) đang ở trong các phòng trọ loại nhà cấp 4, nhà dân kết hợp cho thuê, nhà lợp tôn hoặc Fibro xi măng. Đối với các nhà trọ dạng cấp 4, mặc dù đa phần đã được trang bị nhà vệ sinh khép kín nhưng với diện tích hạn hẹp khoảng hơn 10m2 sẽ bất tiện trong sinh hoạt.
Theo đó, những thành viên trong gia đình sẽ không có phòng riêng, cũng như không có khu vực học tập riêng. Tất cả các hoạt động sinh hoạt như nấu ăn, chăm sóc con cái, sinh hoạt gia đình và nghỉ ngơi, đều diễn ra trong một không gian duy nhất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, thành phố hiện đang có 14 khu công nghiệp đã hoạt động với khoảng 196.000 công nhân, trong đó gần 32% là người ngoại tỉnh; số công nhân thuê trọ hơn 13% với thu nhập bình quân khoảng 11,8 triệu đồng/tháng.
Cũng theo ông Quang, sau khi trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, số tiền công nhân trực tiếp sản xuất (chiếm khoảng 80%) thực nhận khoảng 8,4 triệu đồng/tháng. Nếu không làm thêm giờ thì số tiền thực nhận khoảng 6,8 triệu đồng/tháng. Giá tiền thuê trọ tại Hải Phòng dao động từ 500.000 – 1,8 triệu đồng/tháng tùy phân khúc.
Ông Quang ước tính, đối với một công nhân không làm thêm giờ sau khi trừ đi các khoản chi tiêu trong cuộc sống chỉ tiết kiệm được khoảng 445.000 đồng/năm, còn làm thêm giờ đạt khoảng 19,8 triệu đồng/năm. Trong khi giá nhà ở xã hội (NOXH) đang dao động ở mức 16 – 19 triệu đồng/m2, đây là mức cao so với thu nhập của công nhân lao động.
Xét về mặt bằng chung,có 2 nhóm diện tích nhà ở mà người lao động muốn mua là 45m2 và 60m2, trung bình dao động 500 – 660 triệu đồng/căn. Nhiều công nhân chia sẻ, nếu tích lũy trung bình của 1 người khoảng 15 triệu đồng/năm, gia đình 2 người cùng tích lũy đạt 30 triệu đồng/năm thì phải mất khoảng 20-30 năm mới mua được căn nhà trị giá 600 triệu đồng.
Giảm giá nhà, hỗ trợ tài chính là biện pháp thiết thực
Để giải quyết khó khăn của người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp, ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đề xuất, giá nhà không quá 10 – 12 triệu đồng/m2 hoặc không quá 600 triệu đồng/căn là mức hợp lý, hoặc tạo cơ chế lãi suất cho vay thấp, thậm chí bằng 0 để họ tiếp cận được nhà ở.
Bà Nguyễn Thị Minh – Phó chủ tịch công đoàn Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết, nhu cầu mua nhà ở của công nhân rất lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn vay mua NOXH tại ngân hàng chính sách đã tăng lên 6,6% thay vì 4,8% như trước gây khó cho cán bộ công đoàn khi tư vấn cho người lao động.
Theo ThS. Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý Dự án thiết chế Công đoàn, thời gian qua, với sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với việc triển khai xây dựng NOXH nói chung, nhà ở cho công nhân lao động cũng đã đạt được nhiều kết quả trên thực tiễn.
Tuy nhiên, số lượng các dự án NOXH cho công nhân, người lao động thuê, mua chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số dự án được đầu tư. Nguyên nhân đến từ việc nguồn vốn phục vụ chương trình phát triển NOXH cho công nhân còn hạn hẹp, khó tiếp cận và chưa đáp ứng được nhu cầu.
Các chính sách ưu đãi về vốn theo quy định của pháp luật hiện nay chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Các dự án nhà ở do Nhà nước và doanh nghiệp xây dựng chưa thể cạnh tranh được với nhà cho thuê của các hộ gia đình cá nhân.
Từ những kinh nghiệm quốc tế, TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng đề xuất, có thể ưu tiên áp dụng cải tạo các khu vực thấp tầng, lô đất diện tích quá nhỏ trong nội đô, tiến hành đầu tư theo hướng xây chen, xen các khu nhà ở cao tầng giá thấp; hoặc xây nhà cao tầng để tái định cư tại chỗ, còn lại cho người thu nhập thấp thuê, mua. Từ đó dẹp bỏ các khu nhà cho thuê kém chất lượng đang tồn tại hiện nay.