Nhiều ý kiến trái chiều đánh thuế rượu bia
Sáng ngày 26/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7 đã tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) đã đề nghị cần xem xét thận trọng việc tăng thuế đối với rượu, bia trên ba khía cạnh: tác động đến việc làm, thu ngân sách và sức khỏe cộng đồng. Nếu tăng thuế quá nhanh, giá bia sẽ tăng cao, làm giảm sản lượng tiêu thụ và có thể gây mất việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Ông Minh dẫn chứng nghiên cứu độc lập cho thấy, thu nhập của người lao động có thể giảm tới 4.600 tỉ đồng mỗi năm nếu thuế tăng như đề xuất. Về thu ngân sách, đặc biệt là ngân sách địa phương, việc giảm sản lượng tiêu thụ sẽ dẫn đến sự suy giảm đáng kể của các nguồn thu từ thuế.
Ông cũng lo ngại việc tăng thuế có thể dẫn đến tình trạng người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm bia nhập lậu hoặc bia "cỏ" - những sản phẩm không được kiểm soát chất lượng. Điều này không chỉ phá vỡ mục tiêu bảo vệ sức khỏe mà còn làm gia tăng thị phần bia bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách và làm méo mó thị trường.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cách áp thuế hiện nay chưa thực sự đạt được mục tiêu thay đổi hành vi tiêu dùng. Ông phân tích, nếu thuế tăng dần theo lộ trình hàng năm, người tiêu dùng sẽ dễ dàng thích nghi mà không có sự thay đổi rõ rệt trong hành vi. Việc áp thuế này giống như việc thả một con nhái vào nồi nước lạnh rồi đun sôi dần, khiến con nhái không nhận ra mà vẫn thoải mái bơi lội.
Thay vì tăng thuế từ từ, ông Cường đề xuất nên tăng mạnh thuế ngay từ đầu, rồi giữ ổn định trong 5 năm trước khi tiếp tục tăng. Ông nhấn mạnh, cần một cú hích đủ mạnh để người tiêu dùng thay đổi thói quen, chứ không phải cứ tăng dần dần rồi họ vẫn tiếp tục sử dụng.
Về vấn đề thuế đối với nước giải khát có đường, ông Cường đồng tình với việc đưa nhóm sản phẩm này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng cần phải có sự phân loại rõ ràng. Không phải tất cả các loại nước giải khát có đường đều có tác động tiêu cực như nhau. Ví dụ, các loại nước ép trái cây tự nhiên có đường tự nhiên cũng bị đánh thuế, vậy có hợp lý không?
Giải trình cuối phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ nhằm tăng thu ngân sách mà còn để điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Việc áp thuế sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ nhưng cần phải đặt sức khỏe con người lên hàng đầu, và vì vậy phải chấp nhận thực hiện chính sách này.
Về nước giải khát có đường, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho hay, Chính phủ đã nhiều lần đề xuất đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa được thông qua. Tuy nhiên, lần này Bộ Tài chính nhận thấy có sự đồng thuận cao hơn từ các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế và các tổ chức y tế.
Việc áp thuế đối với nước giải khát có đường không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn giúp điều chỉnh thói quen tiêu dùng ngay từ đầu, trước khi đồ uống có đường trở thành thói quen phổ biến và khó thay đổi. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra mức thuế phù hợp.
Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất tăng thuế đối với rượu, bia từ năm 2026 và bắt đầu áp thuế đối với nước giải khát có đường. Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận, đại biểu Quốc hội hiện có nhiều ý kiến khác nhau về thuế suất, mức thuế và lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm này.

Đề xuất lùi lộ trình tăng thuế đặc biệt
Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi đến Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội góp ý việc điều chỉnh chính sách thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt, cần phải thận trọng và toàn diện, vì mức thuế cao có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Theo phân tích của VCCI, nếu thuế tăng quá nhanh, sẽ tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp và toàn bộ chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp sẽ khó có đủ thời gian để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đầu tư vào công nghệ sản xuất mới hay nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó có thể dẫn đến thu hẹp quy mô sản xuất, thua lỗ và thậm chí phá sản, ảnh hưởng đến hàng triệu lao động trong các ngành liên quan, từ sản xuất, chế biến, phân phối đến xuất khẩu.
VCCI cho rằng, mặc dù thu ngân sách có thể tăng trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn, sự sụt giảm sản lượng hợp pháp và sự gia tăng thị trường phi chính thức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của Nhà nước.
Vì vậy, VCCI đề xuất lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đến năm 2028, với mức tăng 5% mỗi hai năm, giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng và đảm bảo tính khả thi của chính sách.
Về việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, VCCI cũng cho rằng cần thận trọng, vì thừa cân và béo phì không chỉ do nước giải khát có đường, mà còn từ nhiều yếu tố khác.
Nếu áp thuế đối với nước giải khát có đường có thể tạo sự bất hợp lý, vì nhiều loại thực phẩm khác cũng có hàm lượng đường và calo cao nhưng không bị áp thuế tương tự. Do đó, VCCI đề nghị hoãn việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá toàn diện.
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cũng gửi văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề xuất lùi lộ trình tăng thuế từ năm 2028, với mức tăng 5% mỗi hai năm. Đồng thời, hiệp hội cũng đề nghị chưa bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng và hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường.