Giá thuốc lá còn thấp
Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới, với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng bởi khói thuốc thụ động. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do giá thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều quốc gia khác.
Mặc dù thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá tại Việt Nam hiện tại là 75%, nhưng tổng các loại thuế tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 38 - 39% giá bán lẻ thuốc lá, thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%) và các nước ASEAN (khoảng 60 - 70%). Mức này cũng thấp hơn so với khuyến nghị của WHO và Ngân hàng Thế giới (WB), yêu cầu tỷ lệ thuế chiếm khoảng 2/3 đến 3/4 giá bán lẻ.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính hiện đang triển khai nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó có đề xuất điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Cụ thể, dự thảo đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030 nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá.
Cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án đối với mức thuế tuyệt đối. Phương án 1 là đối với thuốc lá điếu (bao), từ năm 2026, mức thuế bổ sung là 2.000 đồng/bao, tăng thêm 2.000 đồng mỗi năm, đảm bảo đến năm 2030 đạt mức tối đa là 10.000 đồng/bao.
Đối với xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào và các sản phẩm khác từ cây thuốc lá, mức thuế bổ sung từ năm 2026 là 20.000 đồng/100g/hoặc 100ml và sẽ tăng thêm 20.000 đồng mỗi năm, đạt mức tối đa 100.000 đồng/100g/hoặc 100ml vào năm 2030.
Phương án 2, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá điếu vào năm 2026 là 5.000 đồng/bao, tăng thêm 1.000 đồng mỗi năm, đạt mức tối thiểu 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Đối với các sản phẩm khác từ cây thuốc lá, mức thuế bổ sung từ năm 2026 là 50.000 đồng/100g/hoặc 100ml và sẽ tăng thêm 10.000 đồng mỗi năm, đạt mức tối đa 100.000 đồng vào năm 2030.
Cần lộ trình phù hợp
Trước đề xuất này của Bộ Tài chính, tại tọa đàm "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - những vấn đề đặt ra" diễn ra ngày 19/11, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt nằm trong giá bán. Vì vậy, việc tăng thuế này sẽ làm tăng tỷ lệ thuế trong cơ cấu giá bán lẻ thuốc lá.
Bà Cúc cho hay, theo dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, cả 2 phương án tăng thuế đều dự báo tổng lượng tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm khoảng 7% vào năm 2030. Sản lượng thuốc lá hợp pháp cũng sẽ giảm mạnh. Cụ thể, theo phương án 1, sản lượng thuốc lá hợp pháp sẽ giảm 30% (tương đương giảm 28 tỷ điếu) và theo phương án 2, giảm 36% (khoảng 31 tỷ điếu) so với năm 2025, trước khi áp dụng tăng thuế. Điều này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành thuốc lá, khiến các doanh nghiệp có thể phải phá sản trong thời gian ngắn, với doanh thu sụt giảm khoảng 32 - 35%.
Ngược lại, lượng thuốc lá lậu dự báo sẽ tăng mạnh. Đến năm 2030, thuốc lá lậu có thể tăng 205% (khoảng 22 tỷ điếu) theo phương án 1 và tăng 230% (tương đương 24 tỷ điếu) theo phương án 2 so với năm 2025.
Ông Hồ Lê Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam nhận định, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là cần thiết, nhưng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trong phương án thực hiện. Ngành thuốc lá không được khuyến khích phát triển, nhưng vẫn đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước qua các năm. Việc tăng thuế đột ngột có thể gây ra bất ổn cho ngành thuốc lá. Đặc biệt, khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh sẽ thúc đẩy tình trạng buôn lậu thuốc lá, sản phẩm này không chịu thuế và không được kiểm soát chất lượng.
Còn theo ông Hồ Lê Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Malaysia và các nước châu Âu đã áp dụng mức thuế cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đề xuất tăng thuế đột ngột, Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong trong việc này.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, để thực hiện tăng thuế, cần có thời gian chuyển đổi cho ngành thuốc lá. Các doanh nghiệp trong hiệp hội đều là doanh nghiệp nhà nước, nên phải tuân thủ các chính sách ngay, vì vậy cần có sự hài hòa để doanh nghiệp có đủ thời gian thích nghi, vừa thu được thuế, vừa cạnh tranh với thuốc lá lậu.
Thượng tá Lê Thiện Thành - Phó trưởng phòng Hướng dẫn điều tra (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng) cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, cần có lộ trình và chính sách tăng thuế hợp lý, phù hợp với thực tế. Lộ trình tăng thuế nên được giãn ra để các cơ quan như bộ đội biên phòng và quản lý thị trường có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng và kế hoạch ứng phó với việc buôn lậu thuốc lá tăng cao do thuế tăng.
Ông Thành cũng đề cập đến việc cần sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP để áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu, củng cố cơ sở pháp lý trong công tác phòng, chống buôn lậu, và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hợp pháp.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc áp dụng tăng thuế không nhất thiết phải từ năm 2026, mà có thể lùi lại đến năm 2027 để có thêm thời gian tuyên truyền và thông tin về tác động của chính sách. Các nhà sản xuất cũng sẽ có thời gian để chuyển đổi. Việc thay đổi hành vi tiêu dùng cần nhiều biện pháp kết hợp. Do đó, cần có thời gian giãn cách để thực hiện các biện pháp kết hợp, chỉ có thuế thì không đủ hiệu quả.
Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra hơn 90% các ca ung thư phổi và trên 30% các loại ung thư khác. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới ung thư và hơn 122.000 trường hợp tử vong. Hiện tại, có khoảng 354.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.