Đề xuất đấu giá biển số xe máy: Chuyên gia nói gì?

Theo luật sư Nguyễn Văn Đồng, việc tổ chức đấu giá biển số xe máy cũng nên thực hiện tương tự như với biển số xe ô tô, nghĩa là không cho chuyển nhượng riêng biển số trúng đấu giá, mà phải được gắn vào một chiếc xe cụ thể và chỉ cho chuyển nhượng 1 lần.

Bộ Công an vừa đề xuất mở rộng đối tượng đấu giá biển số xe, bao gồm cả mô tô, xe gắn máy (trừ biển số xe cấp cho xe thuộc tài sản công, xe của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam…).

Theo đó, giá khởi điểm của một biển số mô tô, xe gắn máy có giá không thấp hơn 5 triệu đồng; bước giá bằng 10% giá khởi điểm.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Đô Thị Mới đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Bộ Công an đề xuất luật hóa việc đấu giá biển số, trong đó mở rộng đấu giá với cả biển số xe máy, xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Ngày 15/11/2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Đến ngày 26/6/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2023/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội quuy định trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe ô tô. 

Tiếp đó, ngày 01/07/2023 Bộ công an ban hành Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới trong đó tại các Điều 27, 28, 29 của thông tư quy định việc đăng ký, cấp biển số xe trúng đấu giá.

Bộ Công an đề xuất đấu giá biển số xe máy đẹp

Từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cho đến việc tổ chức thực hiện của Bộ Công an, hiện nay việc triển khai đấu giá biển số xe ô tô đã đạt được những hiệu quả tích cực. Khâu tổ chức đấu giá được tổ chức thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch. Việc tổ chức và triển khai về thí điểm đấu giá biển số xe thời gian qua được đông đảo người dân quan tâm hưởng ứng. 

Tôi cho rằng, việc tổ chức đấu giá nên mở rộng không chỉ biển số xe ô tô mà đối với tất cả các loại xe, tạo cơ chế công bằng và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân muốn sở hữu biển số mong muốn.

Bộ Công an cũng đề xuất giá khởi điểm không thấp hơn 5 triệu đồng khi đấu giá biển số xe máy. Theo ông, mức giá này đã hợp lý hay chưa?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Giá khởi điểm của một biển số xe ô tô (ngoài các biển đang được áp dụng đấu giá) không thấp hơn 40 triệu đồng. Còn giá khởi điểm một biển số xe mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá không thấp hơn 5 triệu đồng. Căn cứ quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016 thì giá khởi điểm là giá ban đầu thấp nhất của tài sản đấu giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên. 

Theo tôi, bất kỳ cuộc đấu giá nào, đối với tài sản cũng phải quy định giá khởi điểm, đều có giá khởi điểm, việc quy định giá khởi điểm đối với việc đấu giá biển số là đúng quy định pháp luật, phù hợp. Mức giá khởi điểm 5 triệu đồng để tham gia phiên đấu giá là hoàn toàn hợp lý.

Thời gian qua đã triển khai đấu giá biển số ô tô, dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc đẩy giá cao rồi bỏ cọc. Ông nhìn nhận thế nào về điều này? Theo ông, cần chuẩn bị thế nào trong tình huống này khi đấu giá biển số xe máy? Ông có gợi ý gì về hướng xử lý với người cố tình đấu giá cao rồi bỏ cọc?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Theo tôi việc tham gia phiên đấu giá người tham gia phải nộp tiền đặt cọc và việc đặt cọc này là điều kiện bắt buộc để được tham gia phiên đấu giá, quy định này áp dụng đối với tất cả tài sản mang ra đấu giá chứ không riêng gì đối với việc đấu giá biển số xe. 

Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính

Vì vậy, khi tham gia đấu giá biển số đẹp nếu mua trúng biển số đấu giá nhưng rồi không nhận tài sản sau khi trúng đấu giá, người trúng đấu giá sẽ bị tịch thu tiền đặt cọc nộp ngân sách nhà nước. Đây là chế tài đã được quy định rõ, tôi cho rằng chế tài tịch thu tiền đặt cọc này tương xứng với hành vi bỏ cọc của họ.

Tham gia đấu giá cũng như thực hiện một giao dịch dân sự, việc tham gia giao dịch và vi phạm các quy định khi tham gia giao dịch đó đều phải chịu chế tài và chế tài đối với người tham gia đấu giá bỏ cọc chính là “tịch thu tiền đặt cọc” nộp ngân sách nhà nước là phù hợp, mà không cần áp dụng thêm chế tài khác bổ sung. 

Bên cạnh đó, tôi cho rằng với việc quy định chỉ cho chuyển nhượng biển số đẹp khi đã gắn vào chiếc xe cụ thể đã ngăn chặn được hành vi mua bán biển trúng đấu giá trái quy định pháp luật. 

Việc tổ chức đấu giá biển số xe máy cũng nên thực hiện tương tự như đối với biển số xe ô tô, cũng quy định không cho chuyển nhượng biển số riêng rẽ, mà chỉ khi biển số trúng đấu giá được gắn vào một chiếc xe cụ thể mới được chuyển nhượng và chỉ cho chuyển nhượng 1 lần như quy định hiện tại.

Ông đánh giá thế nào về việc đấu giá biển số ô tô thời gian qua? Theo ông, những kinh nghiệm nào có thể áp dụng cho việc đấu giá biển số xe máy?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Tôi cho rằng, việc tổ chức đấu giá biển số xe ô tô thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, hiệu ứng tốt, đông đảo người dân hưởng ứng và tán thành. Ban đầu tổ chức có gặp một số trường hợp có người tham gia đưa ra mức “đấu giá ảo” sau đó không nhận biển số nhưng tình trạng này đã không tái diễn nhiều ở những phiên đấu giá tiếp theo. 

Theo luật sư, quy trình đấu giá biển số xe máy có thể thực hiện tương tự như với biển số ô tô

Việc đấu giá biển số xe máy cũng nên áp dụng tương tự như đối với tổ chức đấu giá biển số xe ô tô. Theo tôi, với quy định pháp luật hiện tại đã tương đối đầy đủ để điều chỉnh hoạt động đấu giá biển số phương tiện nói chung. 

Một điều chắc chắn rằng sau một thời gian dài thực hiện phương thức đấu giá nào cũng sẽ tồn tại những hạn chế khi đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và sửa đổi bổ sung các quy định. Còn hiện tại tôi cho rằng việc tổ chức và triển khai đấu giá biển số xe đang được thực hiện tương đối tốt.

Hoài Phong thực hiện

Xin cảm ơn ông!