Sáng 27/3, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã đưa ra góp ý xây dựng dự Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cảnh - Giám đốc khu du lịch Cửa Biển đã đề xuất bổ sung điều khoản về đào tạo lái xe cho học sinh.
Ông cho rằng, cơ sở giáo dục có trách nhiệm hướng dẫn lái xe máy an toàn cho học sinh như môn bắt buộc. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dựa trên Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để xây dựng nội dung đào tạo, còn Bộ Giao thông Vận tải phối hợp hướng dẫn.
Học sinh sẽ tự học lý thuyết theo nội dung được xây dựng và tập lái trong khuôn viên mô hình của cơ sở giáo dục hoặc nơi có mô hình tập lái tương tự. Ngành Công an và ngành Giao thông sẽ giải đáp thắc mắc và kiểm tra lý thuyết cùng kỹ năng lái xe cho học sinh. Vượt qua các bài kiểm tra lý thuyết và thực hành, học sinh sẽ được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện lái xe của nhà trường.
Ông Cảnh chia sẻ: "Trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi muốn lái xe máy, xe điện phải có văn bản chấp nhận của cha mẹ, người giám hộ và được đào tạo, sát hạch như đối với người trưởng thành". Ngoài ra, ông Cảnh còn đề nghị bổ sung điều khoản cấm tự ý can thiệp, thay đổi phần mềm, bộ phận điều khiển xe máy điện các loại vì lo ngại tình trạng học sinh đi xe máy điện nhưng độ chế, can thiệp vào bộ phận điều khiển để tăng tốc độ.
Còn đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Phó đoàn Hưng Yên) cho rằng, hiện nay việc tuyên truyền về nhận thức tham gia giao thông cho học sinh còn thiếu. Các em học sinh không đội mũ bảo hiểm, còn đi dàn hàng ngang 2, 3 trên đường. Thống kê năm 2023, đã xảy 900 vụ tai nạn liên quan đến học sinh làm chết gần 500 người, bị thương gần 800 người.
Ông Đồng Ngọc Ba - Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng băn khoăn với quy định người từ đủ 16 tuổi được điều khiển xe gắn máy, song dự thảo chưa nêu rõ việc đào tạo, sát hạch với học sinh. Theo ông, trẻ từ 14 đến 16 tuổi cũng phải được đào tạo và kiểm tra để đủ kiến thức, kỹ năng tham giao giao thông an toàn.
Trước đó, vào ngày 15/5, trong phiên họp Thường vụ Quốc, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề nghị bổ sung quy định cấp giấy phép lái xe cho trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy điện và xe dưới 50cc. Ông cho rằng, đây là một khoảng trống về pháp lý. Theo dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông, các trường THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì phối hợp cùng lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn.
Ông Hùng đặt câu hỏi không biết hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn ở đây là theo quy định nào, ai quy định? Lực lượng cảnh sát giao thông đến hướng dẫn thì có chứng chỉ về đào tạo hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn không? Có đủ điều kiện điều khiển xe máy hay không?
Ông cũng góp ý việc đào tạo lái xe nếu giao lại cho các trường THPT thì quá tải và không có cơ sở vật chất. Theo ông, người dưới 18 tuổi muốn điều khiển phương tiện dưới 50cc và xe máy điện thì phải sát hạch như giấy phép lái xe A1 tại trung tâm sát hạch chính quy.
Thông tư 12/2017 của Bộ Giao thông Vận tải quy định, thi bằng lái xe máy A1 gồm sát hạch lý thuyết quy định giao thông đường bộ, kỹ thuật lái xe và sát hạch thực hành trong hình gồm: Đi theo hình số 8, qua vạch đường thẳng, qua đường có vạch cản, qua đường gồ ghề.
Trong Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đưa ra giải pháp điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe cơ giới đường bộ phù hợp với Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ và đặc thù phương tiện tại Việt Nam. Chiến lược có nội dung phải đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW hoặc xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50cc. Thế nhưng dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ của nước ta hiện chưa đề cập đến đào tạo, sát hạch với người điều khiển xe máy dưới 50cc.