Đề xuất phát hành chứng chỉ vàng: Vừa tiện lợi vừa không lo vàng giả!

Trong dài hạn, Chính phủ nên xây dựng một thị trường vàng hiện đại, liên thông với thị trường vàng quốc tế, cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng thông qua chứng chỉ vàng và sàn vàng.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của kiến nghị quý II/2024 mà các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra các giải pháp phát triển thị trường vàng ổn định và bền vững. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 4 kiến nghị chính.

Chuyển giao dịch vàng vật chất sang kỳ hạn

Nhóm chuyên gia kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm sửa đổi Nghị định 24 theo hướng không can thiệp trực tiếp vào thị trường bằng các biện pháp hành chính. Chỉ nên quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng. Nên cân nhắc việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng nằm cân đối cung - cầu. Sớm thay đổi, ban hành nghị định mới về thị trường vàng phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Tiếp theo, kiến nghị liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới. Xem xét đưa ngành sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu vàng trang sức ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện. Kiến nghị Bộ Tài chính đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0%. 

vang-mieng-sjc-3242-1719635564.jpg

Thời gian qua, 4 ngân hàng thương mại nhà nước trực tiếp bán vàng cho người dân đã kéo gần khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. 

Kiến nghị sớm chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang vàng kỳ hạn. Nhóm chuyên gia đề xuất cho phép huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng. Ưu điểm của chứng chỉ vàng là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không sợ vàng giả và không mất phí gia công dập ra vàng miếng. 

Vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ là người gửi vàng không được phép rút trước thời hạn. Chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ do NHNN phát hành và thông qua các ngân hàng thương mại để thực hiện. Việc mua, bán chứng chỉ vàng sẽ được thực hiện bởi những quy định chặt chẽ của NHNN và giao dịch đầu tư hoàn toàn tự nguyện. Sau thời hạn ghi trên chứng chỉ chứng nhận vàng, người sở hữu có quyền chuyển đổi chứng chỉ vàng thành vàng vật chất.

Nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế quốc dân cũng kiến nghị, dài hạn Chính phủ nên xây dựng thị trường vàng hiện đại liên thông với thị trường thế giới. Đó là một thị trường cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng thông qua chứng chỉ chứng nhận vàng và sàn vàng quốc gia. 

Cuối cùng, các chuyên gia đề xuất nên thay đổi tư duy quản lý nhằm tăng cường huy động nguồn lực vàng trong dân cư. Theo đó, nên chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (có thể là chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh) và thực hiện trên một trung tâm giao dịch tập trung. 

Sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hoá giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua Hợp đồng quyền chọn 7, Hợp đồng kỳ hạn như một số quốc gia tiên tiến. Cho phép thành lập các quỹ tín thác bằng vàng như một công cụ tài chính quốc tế. 

Sửa đổi Nghị đinh 24

gia-vang-1244-450-1719635564.jpg

Nhiều chuyên gia kiến nghị cần sớm sửa đổi Nghị định 24 theo hướng xoá bỏ độc quyền kinh doanh vàng miếng.

Trước đó, tại buổi họp của NHNN với các chuyên gia kinh tế đầu ngành, nhiều ý kiến đồng tình việc sớm sửa đổi Nghị định 24. 

GS. TS Hoàng Văn Cường đồng tình nên cho phép nhiều đơn vị hơn được sản xuất kinh doanh vàng miếng và cho phép họ được phép nhập khẩu vàng. Ông cũng đề xuất cần tính đến việc đánh thuế các giao dịch vàng. Đồng thời, cho phép hình thành sàn giao dịch vàng cho thị trường sơ cấp và thứ cấp. 

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực lại cho rằng không nhất thiết phải lập sàn vàng. Theo ông, hiện tại người dân đã thực hiện mua bán vàng qua tài khoản. Điều này thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Về lâu dài, ông kiến nghị Bộ Tài chính cho phép thực hiện Hợp đồng phái sinh vàng - điều một số quốc gia trên thế giới cũng đã làm.

Cùng quan điểm với đề xuất đánh thuế giao dịch vàng, PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi cho rằng, việc áp dụng cách chính sách thuế sẽ phần nào làm giảm bớt nhu cầu vàng của một bộ phận nhà đầu tư, đặc biệt là những đối tượng mua vàng để đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Việc áp dụng thuế đối với thị trường vàng sẽ đảm bảo công bằng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.