Đến năm 2026, có 10 tỉ đồng người dân vẫn khó mua nhà

Phân khúc căn hộ bình dân ngày càng “mất hút” trên thị trường, dự kiến chỉ còn chiếm khoảng 5% nguồn cung trong 3 năm tới. Ngay cả các sản phẩm thấp tầng có giá dưới 5 tỉ đồng cũng sẽ dần “biến mất”, đến năm 2026, nguồn cung sơ cấp có giá dưới 10 tỉ đồng/căn chỉ chiếm 10%.

Báo cáo của DKRA Group đã chỉ ra, trong nửa đầu năm 2024, tại TP.HCM có khoảng 85% nguồn cung thuộc phân khúc bất động sản cao cấp (có mức giá 70 triệu đồng/m2 trở lên), còn lại là phân khúc trung cấp.

Lý giải nguyên nhân của việc phân khúc căn hộ cao cấp chiếm áp đảo nguồn cung, ông Võ Hồng Thắng – Giám đốc mảng Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án DKRA Group cho biết, các chi phí như xây dựng, tài chính, pháp lý, lãi vay và các chi phí khác liên tục tăng trong những năm qua, dự kiến sẽ ngày càng tăng.

Do đó, trong vòng 5 năm qua, bất động sản TP.HCM không có căn hộ mới với giá từ 35 triệu đồng/m2 và nhà ở cao cấp, hạng sang vẫn sẽ chiếm lĩnh nguồn cung trong thời gian tới. Thị trường căn hộ chung cư tại TP.HCM và các tỉnh phụ cận sẽ tiếp tục “kế thừa” đà tăng giá trong quý III/2024.

can-ho-chung-cu-1721977514.jpg
Các căn hộ chung cư giá dưới 3 tỉ đồng tại TP.HCM sẽ ngày càng hiếm, chỉ chiếm 5% tổng nguồn cung trong 3 năm tới

Đồng quan điểm, Savills Việt Nam cho biết, hiện nay, căn hộ dưới 3 tỉ đồng được xem là phân khúc bình dân tại TP.HCM. Trong 6 tháng đầu năm nguồn cung căn hộ này chỉ chiếm 18% nguồn cung, nằm cách xa trung tâm trên 10km. Trong 3 năm tới phân khúc này chỉ chiếm 5% nguồn cung.

Cũng theo Savills, không chỉ căn hộ chung cư, đến năm 2026, TP.HCM cũng sẽ không còn các sản phẩm thấp tầng có giá dưới 5 tỉ đồng/căn và chỉ có 10% nguồn cung sơ cấp có giá dưới 10 tỉ đồng/căn.

Nói về thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, nhà ở cao cấp áp đảo, trong khi thiếu trầm trọng nhà ở vừa túi tiền do hàng trăm dự án không thể triển khai hoặc không thể thực hiện các thru tục đầu tư xây dựng, nhà ở xã hội (NOXH) cũng “ách tắc”. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM chỉ có 1 dự án NOXH được hoàn thành, 7 dự án khác đang triển khai cầm chừng.

Ông Châu nhận định, năm nay và năm sau nữa, thị trường bất động sản TP.HCM duy trì trạng thái mất cân đối cung cầu khi nguồn cung chủ yếu là cao cấp, hạng sang, còn nguồn cầu lại ở phân khúc người có thu nhập thấp và trung bình.

Do vậy, ông Châu kỳ vọng, dưới tác động của các luật mới, nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, NOXH sẽ quay trở lại, kéo giá nhà trở lại trạng thái hợp lý hơn. Thị trường bất động sản sẽ đạt được trạng thái cân bằng, không còn tình trạng “lệch pha” như hiện nay.

san-pham-thap-tang-1721977611.jpg
Đến năm 2026, các sản phẩm thấp tầng dưới 10 tỉ đồng/căn sẽ chỉ còn khoảng 10% nguồn cung

 Đồng quan điểm ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Tiếp thị Nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, hiện nay nguồn cung nhà ở đang hướng đến tầng lớp người có thu nhập cao. Người có thu nhập trung bình, thấp chỉ có thể mua lại căn hộ cũ.

Tuy nhiên, những căn hộ này cũng sẽ tăng giá mạnh trong thời gian tới, do nguồn cung phân khúc vừa tiền duy trì mức nền thấp, thậm chí giảm. Thực tế, số liệu thị trường bất động sản TP.HCM trong quý II cho thấy, lượt tìm mua căn hộ tăng 33% so với cùng và 52% so với cuối năm 2023, giá bán các căn hộ đã bàn giao nhiều năm cũng tăng 6% so với cùng kỳ.

Trước đó, bà Giang Huỳnh – Giám đốc nghiên cứu Savills Việt Nam cũng cho rằng, các căn hộ phân khúc trung cấp và bình dân ở thị trường thứ cấp sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới, trong bối cảnh nguồn cung bàn giao hạn chế và sản phẩm sơ cấp nhỏ giọt.

Do đó, để người có thu nhập trung bình tiếp cận được nhà ở giá rẻ, ông Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, cần các giải pháp triệt để như tạo quỹ đất giá phù hợp, bố trí nguồn vốn cần thiết cho chủ đầu tư NOXH. Các luật mới có nhiều thay đổi nhưng mới chỉ là vấn đề hành lang, thực tế cần có quỹ đất, nhiều hơn các chính sách hỗ trợ và quyết tâm thực hiện của chủ đầu tư. Theo đó, còn quá sớm để kỳ vọng về sự cân bằng nguồn cung của thị trường.