Đừng biến tiệc liên hoan cuối năm thành áp lực và nỗi ám ảnh

avatar
Nguyễn Minh Anh (quận 3, TP. HCM) hài hước bảo, người khác tăng ca vì công việc còn cô tăng ca tập văn nghệ. Tan làm lúc 6 giờ chiều đã rất mệt, nhưng vẫn phải tập văn nghệ đến 10h tối khiến cô càng cảm thấy kiệt sức. Tuy nhiên, đây là hoạt động tập thể nên cô vẫn cố gắng tham gia.

Nỗi sợ mang tên “tập văn nghệ” cho Year End Party

Cuối năm, khi không khí Tết đến gần, các cơ quan và doanh nghiệp lại tất bật chuẩn bị cho những buổi tiệc tất niên, hay còn gọi là Year End Party. Bên cạnh niềm vui, những buổi tiệc này cũng không thiếu những tình huống dở khóc dở cười.

tiec-cuoi-nam-2-1737349103.jpg
Việc tham gia tiệc cuối năm không phải lúc nào cũng là niềm vui trọn vẹn

Với không ít nhân viên văn phòng, việc tham gia tiệc cuối năm không phải lúc nào cũng là niềm vui trọn vẹn. Bởi buổi tiệc cuối năm thường không thiếu tiết mục văn nghệ như nhảy múa, hát hò “cây nhà lá vườn”. Không ít người cảm thấy bị "ép" tham gia dù không có đam mê hay năng khiếu nghệ thuật.

Anh Nguyễn Văn Long - làm việc cho một công ty ở quận Tân Phú (TP. HCM) chia sẻ, mỗi lần công ty thông báo tổ chức văn nghệ cuối năm, anh lại cảm thấy căng thẳng. Anh thích vui chơi, nhưng việc tham gia một tiết mục văn nghệ khiến anh rất ngại.

Anh không thể điều khiển được cơ thể theo đúng được nhịp nhạc nên luôn cảm thấy sự xuất hiện của mình làm tiết mục trở nên hài hước. Nhưng nếu anh từ chối, không tham gia thì sẽ bị cho là thiếu nhiệt huyết.

Nguyễn Minh Anh (quận 3, TP. HCM) hài hước bảo, người khác tăng ca vì công việc còn cô tăng ca tập văn nghệ. Theo đó, cô cùng đồng nghiệp phải tranh thủ buổi tối để luyện tập. Mỗi tuần, nhóm cô sẽ có 2 buổi tập vào thứ 3 và thứ 5 nhằm tiết kiệm chi phí cho biên đạo và không làm ảnh hưởng quá nhiều đến công việc riêng. Mỗi buổi tập thường kéo dài đến tận 10h tối.

Minh Anh chia sẻ, mỗi buổi tập như vậy, cô phải thông báo cho gia đình và sắp xếp công việc riêng. Tan làm lúc 6 giờ đã rất mệt, nhưng vẫn phải tập văn nghệ khiến cô càng cảm thấy kiệt sức. Tuy nhiên, đây là hoạt động tập thể nên cô vẫn cố gắng tham gia.

Còn Phan Thị Lệ - nhân viên trong ngành kiểm toán tại TP. HCM cũng dành chiều chủ nhật để cùng đồng nghiệp tập văn nghệ, mỗi buổi kéo dài khoảng 3 giờ. Lý do là vì cuối tuần mọi người có nhiều thời gian hơn, nên việc tập trung đông đủ người sẽ dễ dàng hơn.

Lệ chia sẻ cô không thể nhớ nổi các tiết mục văn nghệ qua các năm. Bởi vì mỗi năm cô lại phải suy nghĩ, lựa chọn và tập luyện để có một tiết mục khác nhau. Trong khi công việc cuối năm rất bận rộn, do đó mỗi dịp này cô luôn cảm thấy áp lực.

Tốn chi phí sắm đồ đúng “dress code”

Với các chị em, mỗi lần đi tiệc cuối năm lại phải tốn chí phí sắm đồ mới. Chị Trần Thanh Thư (TP. Thủ Đức, TP. HCM) cho biết, tiệc cuối năm của công ty chị thường có quy định “dress code” (quy tắc trang phục). Thông thường, chị đều mặc đồ công sở, chủ yếu là váy và sơ mi đơn giản. Tiệc cuối năm, công ty lại yêu cầu trang phục màu trắng và đỏ khiến chị khá bối rối.

Chị Thư chia sẻ, trang phục màu đỏ thì chị không có. Còn màu trắng, chị chỉ có sơ mi mặc đi làm hàng ngày, không lẽ đến tiệc cuối năm lại mặc bộ đồ công sở đó? Vậy nên chị phải cắn răng ra shop mua một chiếc váy mới.

Công việc của chị yêu cầu tính thẩm mỹ cao, vì vậy mỗi năm công ty lại có một quy định trang phục khác nhau. Có những màu sắc theo chị khá sặc sỡ mà chị không dám mặc. Chị Thư bộc bạch, là đồng nghiệp đã quen mặt nhau cả rồi, tiệc cuối năm chỉ cần ăn mặc gọn gàng, lịch sự là đủ. Chị còn chưa lập gia đình nên không sao, nhưng nhiều chị em có gia đình, cuối năm đã có bao nhiêu việc phải chi tiêu, lại còn phải bỏ tiền cho món đồ chỉ mặc một lần thì rất lãng phí.

Ngoài ra, các trò chơi teambuilding cũng là một nỗi lo của những người hướng nội như chị Thư. Trước đây, công ty chị tổ chức mấy trò "động chạm" như truyền trái cây bằng miệng, đập bong bóng bằng ngực... Chị thường không tham gia vì ngại. Chị cho rằng, những trò chơi này rất phản cảm, không phù hợp với những buổi tiệc cuối năm ấm áp nhưng vẫn cần sang trọng.

tiec-cuoi-nam-1737349102.jpg
Phải đi dự tiệc cuối năm dày đặc khiến nhiều người thường không ăn cơm nhà

Không có thời gian cho bữa cơm gia đình

Chị Nguyễn Phương Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, mỗi năm vào khoảng 2 tuần trước Tết, chồng chị thường không ăn cơm nhà. Trong thời gian này, các con chị cũng không được gặp bố mỗi ngày. Chồng chị phải tham gia các buổi tiệc tất niên và thường về rất muộn, lúc đó các con đã đi ngủ. Sáng hôm sau, khi các con thức dậy đi học, bố vẫn còn đang ngủ say.

Chị Thu cho biết, chồng chị làm trong lĩnh vực kinh doanh và có nhiều mối quan hệ, vì vậy vào dịp cuối năm, các hội nhóm đều tổ chức liên hoan tất niên mà chồng chị phải tham gia. Đôi khi, sau những buổi tiệc, chồng chị say khướt và không còn nhận thức, khiến chị cảm thấy rất bực bội.

Trong khi đó, anh Lê Quốc Anh (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho hay, tháng cuối năm là tháng anh không về nhà ăn cơm. Tiệc cuối năm của các phòng ban trong công ty, rồi đối tác kéo dài suốt từ đầu tháng đến cuối tháng. Nhiều khi thèm cơm mẹ nấu, muốn về ăn với gia đình một bữa cơm nhưng vì tiệc tất niên quá dày đặc, anh không thể về được. Anh được mời nhiệt tình, người mời còn thường đưa lý do cơm nhà là thường xuyên, còn tiệc tất niên cả năm chỉ có một lần khiến anh khó từ chối.

Không chỉ riêng anh Huỳnh Ngọc Quốc hay vợ chồng chị Thu, mà nhiều gia đình khác cũng rơi vào tình trạng "tháng không ăn cơm nhà". Những cuộc tiệc tùng tất niên nối tiếp nhau, hết giờ làm là phải có mặt tại nhà hàng khiến việc quay về ăn cơm gia đình trở nên khó khăn trong những ngày này.