Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024, thay vì 30/6 như quy định cũ.
Động thái này được cho là đến đúng thời điểm khi các ngân hàng và doanh nghiệp đều đang đau đầu với những khó khăn, nợ xấu tăng lên.
Quay cuồng với nợ
Trong nhiều đánh giá của giới chuyên gia, nợ xấu vẫn tiếp tục là cơn đau đầu và trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2024. Thực tế này đã được chứng minh ngay trong quý I/2024, khi thống kê báo cáo tài chính của 28 ngân hàng niêm yết ghi nhận tổng số nợ xấu là 224.146 tỉ đồng, tăng đến hơn 14% so với cuối năm 2023.
Theo WiChart, đây là mức nợ xấu cao kỷ lục của ngành ngân hàng, vượt qua mức đỉnh ghi nhận hồi quý III/2023. Trong khi nợ xấu có xu hướng tăng thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại các ngân hàng lại có xu hướng giảm. Nếu như cuối năm 2023, từng có tới 10 ngân hàng đạt tỷ lệ bao phủ trên 100% với 4 ngân hàng vượt 200% thì đến cuối quý I/2024 chỉ có 5 ngân hàng đạt được con số hơn 100%.
Đáng chú ý, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 khoảng 300.000 tỉ đồng, cao nhất trong 3 năm qua, trong đó nhóm bất động sản chiếm 44,2% và trong số này có tới 52% (tương đương 65.700 tỉ đồng) tiềm ẩn rủi ro thanh toán, cũng là một áp lực với nợ xấu.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản cũng nỗ lực tìm mọi cách xoay xở để cải thiện dòng tiền như phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Tuy nhiên, kết quả cũng không mấy khả quan, những khoản thu về không thể chi trả được hết những khoản nợ đến hạn.
Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản, nhiều nhóm ngành khác cũng đang “bở hơi tai” với việc xoay sở dòng tiền. Theo tiết lộ của một số doanh nghiệp ngày xây dựng, thời gian qua do quá khó khăn về dòng tiền, các nhà đầu đã phải chấp nhận lỗ nhận thầu để có tiền trả ngân hàng, tránh trường hợp rơi vào danh sách nợ xấu.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt – Tổng giá đốc Việt Thắng Jeans cho biết, ngành dệt may đang giảm 19% lượng đơn hàng xuất khẩu so với cùng kỳ, trong đó thị trường Mỹ và EU giảm khoảng 40%, Nhật giảm 17%. Do đó, những khoản nợ đang đến hạn, chuẩn bị đáo hạn là một áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp dệt may nói chung.
Không phải cây đũa thần
Đánh giá về động thái gia hạn thông tư giãn hoãn nợ của NHNN, ông Đỗ Thanh Sơn – Phó Tổng giám đốc phụ trách VietinBank cho biết, trong bối cảnh rất nhiều khách hàng phải đối mặt với khó khăn trong giai đoạn 2024-2025, việc có thêm 6 tháng để thực hiện các nghĩa vụ nợ là cần thiết đối với doanh nghiệp, người vay tiền, cũng giảm áp lực xử lý nợ xấu cho ngân hàng.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng – Thành viên HĐQT OCB bày tỏ, áp lực nợ xấu của ngân hàng trong thời gian qua đến từ khó khăn trả nợ của khách hàng. Do đó, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ cũng vừa tạo điều kiện cho ngân hàng giảm áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro vừa giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi tốt hơn, tăng khả năng trả nợ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, nợ xấu của các ngân hàng thương mại được dự báo có thể đạt đỉnh trong quý II này. Do đó, việc kéo dài Thông tư 02 đến cuối năm là hợp lý.
Bởi lẽ, với những tín hiệu trong quý I, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh, doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian để xoay sở, chi trả các khoản nợ. Không chỉ doanh nghiệp, các ngân hàng cũng có thời gian tái cơ cấu nợ, hỗ trợ những khoản nợ có thể hồi sinh và đảm bảo tỷ lệ nợ xấu không ở mức quá cao.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, 6 tháng là khoảng thời gian phù hợp cho cả ngân hàng và doanh nghiệp do gia hạn quá lâu sẽ không tốt cho nền kinh tế ở 2 vấn đề: nợ xấu tiềm tàng tăng mạnh có thể gây rủi ro cho giai đoạn sau này; doanh nghiệp ỷ lại vào việc được hỗ trợ. Về giải pháp lâu dài, ngoài việc gia hạn, các số liệu về nợ xấu cần phải minh bạch để có giải pháp phù hợp.
Dù đánh giá cao những lợi ích của việc kéo dài Thông tư 02 nhưng, giới chuyên gia cũng lưu ý, đây chỉ là lợi ích trước mắt, thực tế nợ xấu sẽ có thể ngày càng “nóng” hơn, do một phần nợ xấu tạm được “che giấu” và sẽ lộ diện khi Thông tư 02 hết hạn.
Tại các báo cáo kinh tế cũng chỉ rõ, 5 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dù đã phục hồi nhưng vẫn khó khăn. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 14/6 mới đạt 3,79% so với cuối năm ngoái, vẫn còn xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 -15% của cả năm, thậm chí mới đạt được hơn 1 nửa chỉ tiêu 6 tháng đầu năm (5-6%).
Do đó, ngành ngân hàng nên tập trung xử lý nợ xấu một cách đúng nghĩa, chứ không phải là che đi con số thực tế. Để giải quyết nợ xấu, có hai vấn đề cần quan tâm là dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp và thanh lý tài sản đảm bảo.
Khi Thông tư 02 hết hiệu lực, tình hình sẽ phụ thuộc vào môi trường kinh doanh bên ngoài cũng như sự vận động, linh hoạt, thích ứng của mỗi doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp không phục hồi, không trả được nợ thì nợ xấu sẽ tăng, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và ngân hàng.