Giá vàng nhẫn lại “xô đổ” kỷ lục: Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng khi xuống tiền

Trong khi giá vàng miếng vẫn duy trì ở mức 80,5 triệu đồng/lượng thì giá vàng nhẫn đã “hòa” cùng đà tăng của giá vàng thế giới, ghi nhận mức kỷ lục lên đến 79,1 triệu đồng/lượng (bán ra). Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị đây là giai đoạn nhạy cảm, nhà đầu tư nên thận trọng.

Ngày 14/9, giá vàng nhẫn trong nước tiếp tục tăng mạnh theo đà tăng của giá vàng thế giới, thiết lập mức kỷ lục mới với giá bán ra lên đến 79,1 triệu đồng/lượng, tăng thêm 500.000 đồng chỉ sau một đêm. Ở chiều ngược lại, vàng nhẫn được các doanh nghiệp thu mua ở mức giá dao động từ 77,5 đến 77,9 triệu đồng/lượng.

So với thời điểm đầu năm, giá vàng nhẫn SJC đã tăng đáng kể, với mức tăng 15,9 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 16,15 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Trong khi đó, mức tăng của các thương hiệu vàng khác lại khiêm tốn hơn, chỉ khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Mức tăng không quá cao

Nguyên nhân chính của đợt tăng giá vàng nhẫn trong nước lần này là do giá vàng thế giới tăng vọt, chạm mức kỷ lục 2.563 USD/ounce. Trong 2 – 3 ngày gần đây, giá vàng thế giới liên tục gia tăng, “xô đổ” các kỷ lục trước đó.

Cụ thể, ở phiên giao dịch ngày 12/9 (giờ địa phương), giá vàng thế giới tăng mạnh, có thời điểm lên mức 2.555,1 USD/ounce, vượt mức kỷ lục trước đó là 2.531,06 USD/ounce vào ngày 20/8. Và chỉ sau 1 ngày, đến ngày 13/9 , giá vàng thế giới lại lên một đỉnh mới, ở mức 2.563 USD/ ounce.

vang-nhan-1-1726299108.jpg
Vàng nhẫn tiếp tục "xô đổ" kỷ lục về giá

Sự leo thang của giá vàng trên thị trường quốc tế xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm lo ngại về lạm phát, sự bất ổn kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị. Quy đổi theo tỷ giá USD do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, giá vàng thế giới đang tương đương khoảng 77,1 triệu đồng/lượng sau khi bao gồm thuế và phí, chênh lệch khoảng 3,4 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Có một thực tế, khi giá vàng thế giới tăng mạnh, thị trường vàng trong nước cũng sẽ neo theo, đặc biệt là vàng nhẫn. Điều này làm cho mức chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng giảm xuống còn 1,4 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch thấp nhất trong lịch sử giữa hai loại vàng này. Lâu nay, giá vàng nhẫn luôn ở “thế dưới” so với vàng miếng với khoảng cách vài triệu đồng 1 lượng, thậm chí có giai đoạn còn chênh lệch tới 10 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, các chuyên gia vàng cho rằng, mức giá của vàng nhẫn của hiện tại nếu so với đà tăng của vàng thế giới là “không qua cao” so với những ngày trước đó. Theo giá quy đổi tiền đồng, mức chỉ tương đương khoảng 1,5 triệu đồng/ lượng.

Theo chia sẻ của một quản lý cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), giá vàng nhẫn trong nước không tăng mạnh như giá vàng thế giới là do tình hình mưa bão ở miền Bắc trong tuần qua khiến giao dịch bị chững lại. Bởi lẽ, các cửa hàng ở các tỉnh phía Bắc gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng về Hà Nội, dẫn đến tình trạng vàng tồn đọng, khiến nguồn cung dồi dào sẽ phản ứng chậm hơn với biến động quốc tế, tạo ra sự chênh lệch về mức tăng giá giữa 2 thị trường.

Vàng vẫn là tài sản khó đoán định tương lai

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo rằng, mặc dù có dự đoán giá vàng có thể chạm mốc kỷ lục 2.600 USD/ounce vào năm 2024, nhưng hiện tại vẫn là giai đoạn nhạy cảm. Người dân nên thận trọng và suy xét kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư vào vàng, tránh tình trạng mua ồ ạt do lo ngại giá sẽ tiếp tục leo thang.

Thực tế, thị trường vàng Việt Nam, đặc biệt là phân khúc vàng nhẫn, đang trải qua một giai đoạn sôi động với nhiều biến động đáng chú ý. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn, vàng nhẫn thường được người lựa chọn như một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả. Điều này xuất phát từ truyền thống lâu đời coi vàng là tài sản có giá trị bền vững, có khả năng chống lại sự mất giá của tiền tệ và lạm phát.

Tuy nhiên, theo bà Dương Kim Anh - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ Vietcombank, nhận định rằng, với cổ phiếu, nhà đầu tư có thể dự đoán triển vọng dựa trên thông tin về doanh nghiệp, ngành hàng và các yếu tố kinh tế vĩ mô nhưng với vàng, những yếu tố ảnh hưởng đến biến động giá lại khó dự đoán.

mua-vang-1726299208.jpg
Người dân nên thận trọng và suy xét kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư vào vàng

Bà cho biết, trong quá khứ, giá vàng từng sụt giảm 70-80% và phải mất 7-8 năm mới trở lại mức đỉnh lịch sử. Thời gian qua, giá vàng thế giới tăng mạnh một phần do các ngân hàng trung ương trên thế giới đẩy mạnh mua vàng để tái cơ cấu danh mục dự trữ.

Về triển vọng sắp tới, bà nhấn mạnh rằng việc giá vàng tiếp tục tăng hay giảm sẽ phụ thuộc rất lớn vào hành động của các ngân hàng trung ương. "Liệu họ có tiếp tục mua vàng hay không thì vẫn là điều khó dự đoán," bà Kim Anh chia sẻ.

Giám đốc một quỹ đầu tư khác cho rằng thị trường vàng tại Việt Nam hiện không có nhiều yếu tố hỗ trợ. Giao dịch mua bán vàng gặp khó khăn và đồng VND đang mạnh lên, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn. Nhà đầu tư nên xem xét tái cấu trúc danh mục và hạn chế đầu tư vào vàng.

Trên thị trường quốc tế, dòng tiền không chỉ không rẻ mà còn khó tiếp cận, do đó, việc dòng tiền ồ ạt đổ vào các kênh tài sản, bao gồm cả vàng, là điều khó xảy ra. Khả năng giá vàng tăng lên mức 3.000 USD/ounce cũng được đánh giá là khó đạt được.