Giá xăng quay đầu giảm mạnh ngay ngày 29 Tết

Chiều 29 Tết, liên Bộ Tài chính - Công Thương vẫn đúng chu kỳ đưa ra thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Trong kỳ điều hành này, giá xăng, dầu đều giảm mạnh.

Theo đúng chu kỳ, thứ 5 hàng tuần, liên bộ Tài chính – Công Thương sẽ đưa ra điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu nội địa. Kỳ điều hành lần này rời vào 29 Tết, đã nằm trong kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, trước đó Vụ thị trường trong nước đã có công văn yêu cầu giữ nguyên lịch điều chỉnh giá xăng dầu.

Từ 15h chiều ngày 8/2 (tức 29 Tết), giá xăng dầu trong nước sẽ được áp dụng mức mới. Cụ thể, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã điều chỉnh giảm 790 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xuống còn 22.120 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 900 đồng/lít xuống còn 23.260 đồng/lít.

Giá dầu cũng được điều chỉnh giảm: Dầu diesel giảm 290 đồng/lít, xuống còn 20.700 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 340 đồng/lít, xuống mức giá 20.580 đồng/lít. Dầu mazut giảm 490 đồng/kg, xuống còn 15.590 đồng/kg.

Giá xăng dầu giảm ngay ngày 29 Tết

Đây là lần đầu tiên giá xăng giảm từ đầu năm 2024. Trước đó, 4 lần liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh giá đều theo hướng tăng. Lần giảm giá xăng là theo xu hướng thế giới, đưa mức giá xăng về dưới 24.000 đồng/lít.

Bộ Công Thương cho biết, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 1/2/2024 và kỳ điều hành ngày 8/2/2024 là: 93,560 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 4,060 USD/thùng, tương đương giảm 4,16% so với kỳ trước); 98,352 USD/thùng xăng RON95 (giảm 4,242 USD/thùng, tương đương giảm 4,13% so với kỳ trước).

Tại đợt điều chỉnh giá này, liên Bộ Tài chính – Công Thương chỉ trích lập Quỹ bình ổn giá với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg, không trích lập cũng không chi Quỹ bình ổn với các loại xăng, dầu còn lại.

Trước Tết Nguyên đán 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu về việc bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết và cả năm 2024. Bộ Công thương cũng đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, doanh nghiệp đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bộ Công thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối, đảm bảo phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp báo cáo đã chủ động được nguồn cung cho cả năm 2024.