Hà Nội: Thông tin điều chỉnh luồng tuyến xe buýt cần phổ biến rộng rãi

Mạng lưới xe buýt đã trải khắp địa bàn Hà Nội, tuy nhiên lại chỉ tập trung ở các trục chính. Để nhiều người tiếp cận được với dịch vụ xe buýt, Hà Nội đã và đang rà soát, điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến xe buýt.

Trong kế hoạch phát triển giao thông công cộng, Hà Nội luôn cố gắng phát huy hiệu quả cao nhất của loại hình xe buýt. Báo cáo từ Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho thấy, hiện mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; 512/579 số xã, phường, thị trấn; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông; 65/75 bệnh viện...

Đặc biệt, các tuyến xe buýt của Hà Nội hiện đã kết nối với 7 tỉnh lân cận là: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

xe-buyt-lo-trinh-2-1721649903.jpeg
Hà Nội luôn cố gắng phát huy hiệu quả cao nhất của loại hình xe buýt trong vận tải công cộng

Mạng lưới xe buýt đã trải khắp địa bàn, tuy nhiên lại chỉ tập trung ở các trục chính. Nhiều khu vực khó tiếp cận, thậm chí có nơi phải trên 1,5km mới có xe buýt. Một số khu vực có mật độ dân cư cao nhưng lại khó tiếp cận xe buýt như: Đường Chiến Thắng (quận Hà Đông); Triều Khúc, Khương Trung, Khương Hạ (quận Thanh Xuân); đường Tân Triều (huyện Thanh Trì); khu vực Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm)…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều tuyến đường không đủ điều kiện hạ tầng để chạy xe buýt khi mặt cắt ngang dưới 5m. Do đó, hiện nay Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã và đang phối hợp với nhiều đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến xe buýt.

Cụ thể, điều chỉnh luồng tuyến xe buýt sẽ được thực hiện từng bước, theo giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ ngày 1/1/2024), Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã điều chỉnh lộ trình 10 tuyến buýt, dừng hoạt động 5 tuyến, điều chỉnh lộ trình kết hợp điều chỉnh tần suất dịch vụ 12 tuyến, điều chỉnh tần suất dịch vụ 43 tuyến.

Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là đơn vị chủ lực của thành phố trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đại diện Transerco cho hay, đơn vị đã phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải Hà Nội rà soát biểu đồ chạy xe và thực hiện điều chỉnh giảm dịch vụ giai đoạn 1 cho 25 tuyến, nhánh tuyến từ ngày 1/1/2024 và dừng hoạt động 3 tuyến buýt từ ngày 1/4/2024.

Transerco cũng đề xuất thành phố điều chỉnh lộ trình 5 tuyến buýt nhằm thuận tiện cho công tác vận hành, tăng cường kết nối mạng lưới xe buýt, mở rộng vùng phục vụ. Đồng thời, điều chỉnh biểu đồ 34 tuyến buýt phục vụ tổ chức giao thông chung của thành phố. Sau điều chỉnh, tỷ lệ hành khách/lượt xe tăng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm trước (không bao gồm khách sử dụng vé miễn phí).

Giai đoạn 2, dự kiến sẽ điều chỉnh dịch vụ với 14 tuyến buýt, trong đó có 6 tuyến điều chỉnh lộ trình, 7 tuyến điều chỉnh lộ trình và tần suất, 1 tuyến điều chỉnh tần suất.

xe-buyt-lo-trinh-1721649818.jpg
Hà Nội đang rà soát, điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến xe buýt

Trước việc Hà Nội điều chỉnh lộ tuyến xe buýt cho phù hợp, người dân rất đồng tình. Tuy nhiên, nhiều người góp ý, đơn vị vận hành cần thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm được.

Chị Trần Thị Mai Thanh (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cho hay, tháng trước chị có chuyến công tác phải đi bằng máy bay. Chị đinh ninh tuyến buýt số 7 vẫn chạy qua Hoàng Quốc Việt ra sân bay nên đã ra bến chờ. Tới lúc này, chị mới biết xe buýt số 7 đã đổi lộ trình. Chị Thanh vội truy cập vào mạng để tìm kiếm thông tin tuyến buýt này, nhưng không có. Cuối cùng, chị phải gọi vào đường dây nóng của đơn vị điều hành xe buýt để hỏi.

Chị Thanh chia sẻ, không phải tất cả các tuyến buýt đều chung một số hotline nên chị cũng phải mất thêm thời gian để tìm. Chị là thanh niên, cũng biết chút công nghệ nên có thể nhanh chóng, linh hoạt tìm được thông tin về tuyến buýt mà mình cần. Nhưng với những người cao tuổi, không hiểu công nghệ, không biết tìm kiếm thế nào thì việc này sẽ rất bất tiện. Chị mong các đơn vị vận hành sẽ thông báo rộng rãi, cụ thể, chi tiết lộ trình thay đổi của các tuyến buýt để thuận tiện hơn cho người dân, nhất là người lớn tuổi.