Hà Nội: Ghi nhận 940 ca sốt xuất huyết từ đầu năm, người dân cần chủ động phòng bệnh

Hà Nội ghi nhận 84 ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp số ca sốt xuất huyết tăng. CDC Hà Nội khuyến cáo người dân không được chủ quan, dễ làm bùng phát các ổ dịch mới.

Thông báo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 21/6 đến ngày 28/6), trên địa bàn thành phố có thêm 84 ca sốt xuất huyết, tăng 11 ca so với tuần trước đó. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp số ca sốt xuất huyết tăng.

Cụ thể, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phân bố tại 20 quận huyện, trong đó phần lớn ghi nhận tại huyện Đan Phượng với 41 ca, chiếm gần 50%. Trong tuần, thành phố có thêm 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới thì Đan Phượng chiếm 2, ổ dịch còn lại ở quận Bắc Từ Liêm.

sot-xuat-huyet-1719817386.jpeg
Hà Nội đã có 5 tuần liên tiếp tăng các ca mắc sốt xuất huyết

Như vậy, hiện Hà Nội vẫn còn 6 ổ dịch đang hoạt động tại 3 quận, huyện là Đan Phượng, Đống Đa và Bắc Từ Liêm. Song song tổ chức giám sát 2 ổ dịch đang hoạt động tại Đống Đa và Đan Phượng, CDC Hà Nội cũng phối hợp cùng các đơn vị liên quan kiểm soát 8 ổ cũ năm 2023 gồm: Yên Nghĩa (Hà Đông); Quang Trung (Phú Xuyên); Đồng Xuân (Hoàn Kiếm); Tiên Phương (Chương Mỹ).

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 940 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái có 595 ca, thì số trường hợp mắc tăng cao hơn rất nhiều.

Cao điểm dịch sốt xuất huyết thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11. CDC Hà Nội nhận định, hiện nay điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Đáng lưu ý, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng diễn biến bất thường, cùng với đó biến chứng nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều.

Trước nguy cơ diễn biến khó lường của các dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng, CDC Hà Nội khuyến cáo người dân không được chủ quan. Để phòng ngừa bệnh, biện pháp hiệu quả vẫn là việc tích cực vệ sinh môi trường, loại bỏ hoàn toàn các dụng cụ chứa nước, môi trường thuận lợi để cho muỗi đẻ trứng.

sot-xuat-huyet-1-1719817388.jpg
Người dân cần chủ động diệt muỗi vằn, phòng chống bệnh

Nhiều người cho rằng, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ ở ao tù nước đọng, cống rãnh... Tuy nhiên, muỗi vằn có cả ở những nơi nước trong để lâu ngày như bể nước cá cảnh, hòn non bộ, bình cắm lọ hoa lưu nước, nước mưa đọng tại những mảnh bát vỡ trong vườn nhà, công trình xây dựng… Vì vậy, cần loại bỏ những vật chứa nước tồn đọng, ngăn muỗi vằn sinh sản và phát triển.

Về sốt xuất huyết, các bác sĩ khuyến cáo một số sai lầm khiến bệnh trở nặng như chủ quan không đi khám, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; nôn nhiều; đau bụng vùng gan; nước tiểu ít; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc.

Hầu hết người bệnh đều lầm tưởng khi hết sốt là khỏi bệnh. Tuy nhiên, thực tế giai đoạn sau sốt cao mới là nguy hiểm nhất. Lúc này, người bệnh cần được bác sĩ theo dõi sát sao và nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều. Bởi sau 2 - 7 ngày, tiểu cầu có thể giảm nặng và thoát huyết tương, người bệnh có thể gặp các triệu chứng xuất huyết dưới da, chảy máu cam… Thậm chí, tùy theo mức độ có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi, sốc dengue, thậm chí tử vong.