Hà Nội phải "bắt tay" cải tạo 1-2 chung cư cũ vào năm 2025, quận Ba Đình được chọn ưu tiên

Bí thư Thành ủy Hà Nội giao chỉ tiêu, phải chọn được nhà đầu tư vào cuối năm nay để 2025 Hà Nội có thể khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa có buổi kiểm tra tình hình triển khai đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vào ngày 16/4. Theo đó, ông Dũng đã trực tiếp thị sát tòa A, khu chung cư Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Đây là nơi được xác định thuộc diện nguy hiểm cấp D (cấp cao nhất), hiện có nhiều cư dân thuộc đơn nguyên 1 đã được di dời tới nơi tạm cư.

Làm việc với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, quận, huyện liên quan, người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội cho biết hiện các nhiệm vụ cấp bách mà TP lựa chọn để tập trung lãnh đạo từ đầu nhiệm kỳ, thì việc cải tạo chung cư cũ là chậm.

ta6a-1713322730.png
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thị sát tại khu chung cư cũ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình).

Nguyên nhân chủ yếu là khâu tổ chức thực hiện. Bởi cơ bản những khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, nhất là sau khi sửa đổi Nghị định số 69 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Từ thực tế trên, Bí thư Hà Nội chỉ đạo, thời gian tới sẽ chọn quận Ba Đình và 3 khu chung cư cũ ưu tiên triển khai đợt 1 để tập trung tổ chức thực hiện, tạo bước đột phá trong triển khai đề án này. Ban Cán sự đảng UBND TP được giao chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên.

Cụ thể, mục tiêu phải chọn được nhà đầu tư vào cuối năm nay để năm 2025 Hà Nội có thể khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ. Tuy nhiên, yêu cầu phải chọn được nhà đầu tư đủ năng lực và có thể thực hiện dự án trong thời gian khoảng 3 năm để cư dân không phải tạm cư quá lâu.

Bí thư Hà Nội đánh giá việc cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ đầu tiên để tái thiết đô thị Hà Nội trở nên văn minh, hiện đại. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, các cán bộ được giao nhiệm vụ phải tâm huyết, quyết tâm cao và có tình yêu đối với Hà Nội. Nhưng nếu cán bộ hời hợt với công việc thì 5 đến 10 năm nữa cũng không có kết quả.

Liên quan tới đề án cải tạo chung cư cũ, ông Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đã tổ chức nhiều cuộc họp và có văn bản đôn đốc những địa phương có nhà tập thể cũ đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây mới. 

Hiện, thành phố xác định có 10 khu chung cư cũ lựa chọn triển khai ban đầu, giai đoạn 2021-2025. Riêng quận Ba Đình, Đống Đa đẩy nhanh tiến độ triển khai đối với các nhà chung cư thuộc 3 khu tập thể gồm: Khương Thượng, Trung Tự, Giảng Võ.

chung-cu-cu-1713322665.jpg
Hà Nội có hơn 1.500 khu tập thể, chung cư cũ.

Hà Nội là địa bàn có số lượng chung cư cũ lớn nhất cả nước với con số lên đến 1.579. Vừa qua, nhiều quận trung tâm thành phố đã chủ động công khai nội dung liên quan đến cải tạo chung cư cũ trên địa bàn để người dân theo dõi, giám sát. 

Được biết, đa phần người dân đều đồng tình, ủng hộ việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp để cải thiện chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, họ còn một số băn khoăn về hệ số bồi thường, bố trí tái định cư và năng lực của chủ đầu tư.

Phân tích về vấn đề này, GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, suốt 20 năm qua, chỉ có 1% số nhà chung cư cũ nát ở Hà Nội được cải tạo. Nguyên nhân còn vướng mắc là do có 3 “nút thắt”.

Thứ nhất, chính sách đất cho nhà chung cư được sử dụng dài hạn và thiếu phù hợp với cách thức phát triển nhà ở chung.

Thứ hai, theo quy định việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được 100% chủ sở hữu đồng thuận.

Thứ ba, cách thức để mang lại lợi ích cho chủ đầu tư bỏ tiền ra cải tạo chung cư cũ.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, để cải tạo chung cư cũ nát, việc xã hội hóa thôi chưa đủ mà cần phải hài hòa 3 nhóm lợi ích đó là người dân, doanh nghiệp và thành phố.