Sau khi lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Thuận An bị bắt, điều mà dư luận rất quan tâm chính là các dự án thi công dang dở của Công ty này sẽ ra sao?
Theo khảo sát của Đô Thị Mới, trên địa bàn Hà Nội hiện Công ty CP Tập đoàn Thuận An đã và đang thi công tại 4 dự án giao thông vừa trọng điểm vừa cấp bách gồm: Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long; dự án cầu Vĩnh Tuy 2 (dự án trọng điểm); dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên; Nâng cấp, mở rộng đường Nghi Tàm - Âu Cơ (dự án dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên giai đoạn 2 - dự án trọng điểm, cấp bách).
Trong đó, dự án nâng cấp, mở rộng đường Nghi Tàm - Âu Cơ đang thi công, 3 dự án còn lại đã thi công xong và đưa vào sử dụng.
Cụ thể, với dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, do Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Tập đoàn Thuận An là một trong các nhà thầu thi công dự án, công trình đã hoàn thành năm 2021, được bàn giao cho Hà Nội tiếp quản và tổ chức giao thông.
Với dự án cầu Vĩnh Tuy 2 do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Giao thông Hà Nội) làm chủ đầu tư, Tập đoàn Thuận An liên doanh cùng Công ty Cổ phần cầu 7 Thăng Long trúng thầu và thực hiện gói thầu số 02, trị giá 289 tỷ đồng. Hiện dự án cầu Vĩnh Tuy 2 đã thi công xong, đưa vào sử dụng năm 2023.
Tại dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên do Ban Giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư, Tập đoàn Thuận An trúng thầu gói số 12 giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Dự án này cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2018.
Để mở rộng đường Âu Cơ đoạn Nghi Tàm - cầu Nhật Tân, giảm ùn tắc cũng như tạo sự đồng bộ với hạ tầng đường Nghi Tàm và cầu vượt An Dương, năm 2018 UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý cho chủ đầu tư là Ban Giao thông thực hiện dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên giai đoạn 2.
Dự án bao gồm các công việc chính: Đào hạ đê sông Hồng, xây tường chắn để mở rộng đường Âu Cơ từ Nghi Tàm đến cầu Nhật Tân. Tổng kinh phí đầu tư dự án giai đoạn này là 544 tỷ đồng, thời gian thi công từ năm 2018 - 2020.
Tuy nhiên, thời điểm năm 2020 đã qua được hơn 3 năm mà dự án nâng cấp mở rộng đường Nghi Tàm - Âu Cơ vẫn chưa xong. Tại công trường thi công gói thầu số 40 đoạn từ nút giao Xuân Diệu đến nút giao Lạc Long Quân của liên danh 3 nhà thầu trong đó Tập đoàn Thuận An đứng đầu vẫn ngổn ngang.
Đề cập đến tiến độ dự án và tình hình thi công hiện nay, đại diện Ban Giao thông Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, hiện dự án đã thi công được 75% khối lượng công việc, riêng gói thầu 40 đã thi công được 70% (tỷ lệ hoàn thành thấp nhất trong các gói thầu xây lắp tại dự án - PV).
Với việc thi công ở hiện trường, Ban Giao thông cho biết, các gói thầu, trong đó có gói thầu số 40 thì công nhân cùng máy móc thi công vẫn được duy trì, không bị gián đoạn. Hiện chủ đầu tư đang yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh thi công, đạt kế hoạch đến 30/6/2024 sẽ thông xe kỹ thuật toàn dự án.
Lý giải nguyên nhân dự án mở rộng đường Âu Cơ bị chậm tiến độ, đại diện lãnh đạo Ban Giao thông cho rằng, dự án nhiều lần phải điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu của bộ ngành khi áp quy định theo Luật Đê điều. Cùng với đó, mỗi năm vào mùa lũ, dự án phải dừng thi công khoảng 4 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9). Quá trình thi công, nhà thầu gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tại thời điểm xây dựng hồ sơ thầu dự án với thời điểm thi công tăng cao…
Thông tin về quá trình sử dụng, khai thác các công trình trên, chủ đầu tư cùng Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội và Công ty CP công trình giao thông 3 Hà Nội - 2 đơn vị tiếp quản, khai thác, duy tu các công trình cho biết, các công trình hiện vẫn đang sử dụng hiệu quả và chưa phát hiện các bất cập.
Tuy nhiên, tại công trình tại dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên (giai đoạn 1), theo ghi nhận của phóng viên, sau khi dự án thông xe, đưa vào sử dụng được hơn 1 năm thì nhiều công nhân thi công tại gói thầu số 12 do Tập đoàn Thuận An thi công đã có đơn phản ánh với cơ quan chức năng là họ chưa nhận được lương trong thời gian thi công tại công trình.
Chủ đầu tư và Ban Giao thông Hà Nội xác nhận, sự việc xảy ra là do các nhà thầu phụ của Tập đoàn Thuận An nợ lương công nhân, từ thực tế này chủ đầu tư đã yêu cầu Tập đoàn Thuận An làm việc với các nhà thầu phụ tháo gỡ, giải quyết vụ việc.