Hơn 25.000 cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng vi phạm quy định về thuế

Trong 3 năm gần đây, tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, bao gồm cả hoạt động livestream vi phạm quy định về thuế là 31.570 đối tượng, trong đó, có 25.313 cá nhân.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra ngày 1/6. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc quản lý thuế ra sao đối với hoạt động bán hàng qua hình thức livestream, khi thời gian vừa qua đã liên tiếp xuất hiện những phiên có doanh thu hàng tỉ, vài chục tỉ, thậm chí trăm tỉ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay livestream bán hàng trên mạng, Bộ Tài chính đã thực hiện giám sát theo 2 sắc thuế.

thu-truong-nguyen-duc-chi-1717265366.jpeg

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, các cá nhân, hộ kinh doanh thực hiện bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử đều phải nộp thuế, bao gồm cả hình thức livestream

Cụ thể, với cá nhân, nếu phát sinh doanh thu và thu nhập thì chịu thuế đối với thu nhập, được điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nếu là hộ kinh doanh phát sinh doanh thu (hoa hồng) thì quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý hộ kinh doanh (theo hình thức thuế khoán hoặc kê khai về thuế).

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, hoạt động bán hàng qua hình thức livestream có phát sinh doanh thu, thu nhập thì đều phải chịu sự điều chỉnh của các luật thuế, sắc thuế cũng như chịu sự quản lý giám sát của cơ quan thuế.

Thời gian qua, dù không phải là hoạt động kinh doanh mới nhưng lại đang trong đà phát triển, nên cơ quan thuế đã tập trung truyền thông với tất cả những người tham gia hoạt động để hiểu rõ các quy định về thuế. Từ đó, tự tiến hành kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật. Đồng thời giám sát, kiểm tra hoạt động này với đối tượng là cá nhân và hộ kinh doanh.

Cũng theo ông Chi, trong năm 2022-2023 đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bao gồm cả hình thức livestream bán hàng. Theo đó, năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỉ đồng, trong đó số thuế đã nộp là 83.000 tỉ đồng; năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỉ đồng, số thuế đã nộp là 97.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến năm 2023, có hơn 31.570 đối tượng bao gồm 6.257 hộ kinh doanh và 25.313 cá nhân vi phạm về thuế; đã xử lý vi phạm hơn 22.159 trường hợp, số thuế thu tăng thêm là gần 3.000 tỷ đồng.

phien-live-tram-ty-1717265348.png

Trong thời đại livestream bán hàng bùng nổ, những phiên có doanh thu khủng không khó để bắt gặp

Cũng liên quan đến vấn đề thuế trong thương mại điện tử, tại công văn mới phát đi của Bộ Tài chính cho biết, để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, một trong những giải pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng yêu cầu sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bộ Tài chính cho biết, giải pháp này góp phần cải cách thủ tục hành chính, thay vì hàng chục nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch thương mại điện tử khai, nộp thuế.

Bên cạnh đó, các sàn giao dịch có chức năng đặt hàng trực tuyến nắm được đầy đủ các thông tin về người mua, giao dịch thành công, doanh thu, chi phí của các cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Đề xuất này dựa trên cơ sở thách thức lớn nhất của ngành thuế hiện nay với công tác quản lý thuế thương mại điện tử là quản lý đầy đủ được các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, đặc biệt khi họ không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định.

Trên thực tế, livestream bán hàng đang trở thành xu hướng bùng nổ, thu được doanh thu khủng cho người bán và cả người được thuê. Đây sẽ là nguồn thu bổ sung ngày càng lớn cho ngân sách Nhà nước nhưng cũng là cơ hội để hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trà trộn. Để chống thất thu thuế, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng.