Ki ốt chợ Đồng Xuân giá bán ngang căn chung cư nhưng vắng khách mua hàng

Những cửa hàng, ki ốt tại chợ Đồng Xuân dù chỉ vỏn vẹn vài m2 nhưng có giá bán, giá cho thuê cao ngất ngưởng, tuy vậy, số lượng khách hàng ghé thăm chợ truyền thống này để mua sắm đang ngày một ít đi khiến cho nhiều tiểu thương lo lắng.

Chợ Đồng Xuân được biết đến là một trong những chợ truyền thống lâu đời bậc nhất tại Hà Nội. Đây là địa điểm đầu mối bán buôn, bán lẻ với đa dạng mặt hàng có giá trị trung bình nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng phổ thông và xuất đi các tỉnh thành.

Cho đến ngày nay, chợ Đồng Xuân vẫn giữ được sức hút lớn đối với khách du lịch bởi nét đặc trưng văn hóa, lịch sử với nhiều món ăn phong phú. Hơn nữa, chợ còn nằm tại vị trí hết sức thuận lợi, gần các điểm du lịch nổi tiếng như Hồ Gươm, Hàng Mã giúp cho địa điểm này luôn trong tình trạng đông nườm nượp khách tham quan, mua sắm.

img-7116-2-1720061391.jpg
Chợ Đồng Xuân là điểm buôn bán sầm uất, thu hút khách hàng trong và ngoài nước.

Chính bởi lợi thế này, mà giá bán cũng như giá cho thuê các gian hàng, ki ốt chợ Đồng Xuân không hề rẻ, luôn giữ ở mức giá cao ngất ngưởng. Trên thị trường hiện nay, một số chủ cửa hàng, ki ốt vẫn đang chuyển nhượng thứ cấp các gian bán hàng.

Anh Trần Bình, môi giới bất động sản khu vực này cho biết, so với thời điểm trước dịch Covid-19, giá bán và cho thuê tại chợ Đồng Xuân đã giảm phần nhiều. Song, mức giá vẫn được xem là khá “đắt đỏ” khi mỗi m2 của các ki ốt tại mặt tiền tầng 1 chợ Đồng Xuân có giá từ 700 triệu đồng - 1 tỷ đồng/m2, tùy vào vị trí bán hàng.

img-7075-1720060800.jpg
Chợ Đồng Xuân cung ứng hàng hóa không chỉ cho thị trường Hà Nội mà còn cho các tỉnh phía Bắc và cả nước.

Đối với khu vực buôn bán trong nhà, giá bán ki ốt giảm dần theo thứ tự từ tầng thấp đến tầng cao, tầng 1 có giá bán khoảng 300 – 500 triệu đồng/m2, tầng 2 có giá từ 200 – 300 triệu đồng/m2, lên đến tầng 3 sẽ giảm giá chỉ còn từ 100 – 200 triệu đồng/m2.

“Thực tế, số lượng chủ gian hàng có nhu cầu chuyển nhượng rất ít. Đa phần họ sẽ cho thuê lại với mức giá từ 35 – 45 triệu đồng/tháng cho khu vực mặt tiền, đông khách qua lại, từ 15 – 30 triệu đồng cho các ki ốt trong nhà và từ 10 – 15 triệu đồng/tháng cho khu vực khuất khách hơn”, anh Bình chia sẻ.

img-7089-1720060821.jpg
Giá bán và cho thuê ki ốt chợ Đồng Xuân luôn ở mức cao ngất ngưởng, thậm chí có gian hàng được sang nhượng với giá ngang căn hộ chung cư cao cấp tại Hà Nội.

Kinh doanh thực phẩm khô tại chợ Đồng Xuân đã nhiều năm, chị Nguyễn Thùy Linh cho biết, chợ Đồng Xuân là chợ đầu mối cung ứng số lượng hàng hóa lớn cho hầu hết các tỉnh phía Bắc nên giá bán và cho thuê đắt đỏ là điều đương nhiên.

img-7094-2-1720060970.jpg
Mặc dù giá thuê ki ốt khá cao, nhưng đây không còn là "mỏ hái ra tiền" đối với nhiều thương buôn.

“Dù mỗi ki ốt bán hàng chỉ vẻn vẹn vài m2 nhưng có giá trị ngang bằng một căn hộ chung cư Hà Nội không phải điều quá bất ngờ. Bởi lẽ, chợ nằm ở vị trí đắt đỏ, nơi giao thương với khắp các chợ trên toàn quốc và thu hút lượng lớn khách trong và ngoài nước ghé thăm mỗi ngày nên các thương buôn rất muốn có vị trí bán hàng tại đây”, chị Linh nói.

img-7083-1720060844.jpg
Dù nườm nượp khách ghé thăm nhưng tình hình buôn bán của các gian hàng tại đây không mấy khả thi.

Mặc dù từng là “mỏ hái ra tiền” của rất nhiều thương buôn, nhưng hiện nay chợ Đồng Xuân cũng đang rơi vào số phận chung như các chợ truyền thống khác. Dù luôn trong cảnh đông nườm nượp khách tham quan nhưng theo các nhà bán buôn, việc buôn bán tại đây không mấy khả quan do những mô hình bán hàng online đang ngày càng chiếm ưu thế.

img-7079-1720061005.jpg
Để duy trì và tồn tại lâu dài đòi hỏi những chợ truyền thống cần thay đổi mô hình hoạt động.

Theo các chuyên gia, kể từ sau dịch Covid – 19, tình hình nền kinh tế liên tục gặp khó khăn đã làm cho thu nhập của người dân bị hụt giảm, khiến nhiều gia đình phải tiết kiệm chi tiêu hơn trước. Bên cạnh đó, các hoạt động mua bán thông qua các nền tảng bán hàng online đang ngày càng phát triển mạnh, mô hình kinh doanh như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại,… mọi khắp nơi đã tác động không nhỏ tới hoạt động của chợ truyền thống.  

Do đó, chợ truyền thống muốn duy trì sự tồn tại lâu dài thì buộc phải thay đổi mô hình hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ và nên được quy hoạch theo hướng phát triển du lịch với mục đích để du khách thăm quan, trải nghiệm văn hóa, phong tục, đồ ăn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có những chính sách phù hợp thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của toàn xã hội.