Lãi suất trái phiếu qúa cao sẽ mang đến nhiều rủi ro

Theo bà Thái Thị Quỳnh Như, Nghiên cứu viên cao cấp (Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam), một doanh nghiệp bất động sản trước khi có biểu hiện nguy hiểm thường đưa ra mức lãi suất huy động trái phiếu rất cao, có thể lên đến 12%/năm, hoặc hơn thế.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), chỉ tính riêng trong 10 ngày đầu tháng 5, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có 3 đợt phát hành được ghi nhận với tổng giá trị đạt 2.250 tỉ đồng.

tpdn-bat-dong-san-1715990690.jpg
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang rục rịch phát hành lượng lớn trái phiếu trở lại

Trước đó, trong tháng 4, thị trường trái phiếu ghi nhận 13 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trị giá 13.940 tỉ đồng. Trong tháng 4/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 12.001 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Về lượng giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp, ông Nguyễn Quang Thuân - – Tổng giá đốc Fiin Ratings cho biết, đang nhộn nhịp trở lại trong quý I/2024, giá trị giao dịch trung bình theo ngày đạt 4.000 tỉ đồng, cao gấp 22,4 lần so với cùng kỳ. Trong đó, TPDN bất động sản chiếm gần 29% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Tính tổng từ đầu năm đến ngày 10/5, tổng giá trị TPDN đã phát hành của toàn thị trường là 40.200 tỉ đồng. Dù lượng TPDN phát hành mới có dấu hiệu “ấm” lại nhưng, trong 9 tháng còn lại của năm 2024, lượng trái phiếu đến hạn ước tính đạt khoảng 183.484 tỉ đồng, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 73.784 tỉ đồng, tương đương 40,2%.

Nhận định về áp lực thanh toán trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính cho biết, trong ngắn và trung hạn, các nhà phát hành trái phiếu vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn tiền để trả nợ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do những vướng mắc về pháp lý khiến dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp không thể bán hàng, thu tiền về.

Theo đó, việc gia hạn trái phiếu sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới. Nếu thành công doanh nghiệp sẽ có thời gian để xoay xở về mặt tài chính, còn ngược lại các công ty sẽ đối mặt nguy cơ vỡ nợ.

Nói về chất lượng của TPDN, phát biểu tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Moody’s Ratings và VIS Rating tổ chức, bà Thái Thị Quỳnh Như, Nhiên cứu viên cao cấp (Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES)) nhìn nhận, yếu tố xếp hạng và minh bạch thông tin là rất quan trọng đối với thị trường trái phiếu, nhất là nhóm các doanh nghiệp bất động sản.

Theo bà Như, điều kiện để phát hành trái phiếu ra thị trường có hai loại gồm trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo và một loại là có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu chiếm 38%, tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm 30%, tài sản là một số dự án hình thành trong tương lai chiếm 32%.

ba-chu-quynh-nhu-1715990756.png
Bà Thái Thị Quỳnh Như, Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam rằng một doanh nghiệp bất động sản trước khi có biểu hiện nguy hiểm thường đưa ra mức lãi suất huy động trái phiếu rất cao

"Khi nhà đầu tư quyết định xuống tiền, họ sẽ nhìn nhận vào độ tin cậy của trái phiếu đó. Nếu có rủi ro thu hồi vốn và dòng tiền đầu tư thì trái phiếu không có đảm bảo sẽ rất khó thu hút, bởi huy động vốn từ các cá nhân chiếm phần lớn so với doanh nghiệp. Với người dân, quyết định lấy tiền tiết kiệm mang đi đầu tư thì tài sản đảm bảo là rất quan trọng", bà Như cho biết.

Tuy nhiên, với nhóm TPDN có tài sản đảm bảo, bà Như cho rằng, ngay cả khi tài sản đảm bảo là bất động sản, một số doanh nghiệp cũng đã xảy ra hoặc có xu hướng manh nha không có khả năng chi trả. Chẳng hạn, một tập đoàn trước khi có biểu hiện nguy hiểm thì đều đưa ra lãi suất huy động trái phiếu cực kỳ cao, có thể lên tới 12%/năm hoặc hơn thế.

“Tôi nghĩ không có một doanh nghiệp nào kinh doanh đầu tư có được lãi suất khủng như thế", bà Như nhấn mạnh.

Do đó, để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, bà Như cho rằng, các doanh nghiệp phải làm sao vừa minh bạch, vừa đảm bảo thông tin chính xác, tin cậy.  “Minh bạch nhưng không có độ đảm bảo mặt pháp lý thì khó. Tôi đề nghị cơ quan giám sát kỹ tính pháp lý tài sản đảm bảo trước khi mang ra huy động vốn, nhất là với tài sản đảm bảo bằng bất động sản", bà Như kiến nghị.

Trước những bất cập còn tồn tại của thị trường trái phiếu, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, hiện chất lượng trái phiếu đang có vấn đề. Thực tế hiện nay thị trường trái phiếu đang tập trung chủ yếu vào nhóm ngân hàng và bất động sản, là lĩnh vực mang tính đầu cơ, trái phiếu chưa hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế.

Đánh giá của GS.TS. Hoàng Văn Cường, bà Như là hoàn toàn có cơ sở, bởi như Đô Thị Mới đã đưa tin trước đó, có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo là bất động sản, nhưng lại có nhiều dấu hiệu của việc “sức khỏe” tài chính yếu. 

Điển hình như Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh (Công ty Trung Minh) vừa phát hành 1 lô trái phiếu có trị giá 900 tỉ đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 12,5%/năm, nâng tổng số giá trị trái phiếu từ tháng 6/2023 đến nay lên 2.800 tỉ đồng. Trong khi đó, theo công bố bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 Trung Minh ghi nhận kết quả kinh doanh rất ảm đạm, khi có năm thứ 2 báo lỗ liên tiếp với khoản lỗ 6,7 tỉ đồng, năm 2022 công ty lỗ 9,1 tỉ đồng. Tính đến thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 156,8 tỷ đồng, trong khi đó cuối năm 2022 là 163 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng mạnh lên 27,54 lần. 

Hay trường hợp của Công ty CP Vinam Land là doanh nghiệp từng công bố phát hành 15.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/tp, tương đương huy động được 1.500 tỷ đồng, lãi suất lên đến 14%/năm. Theo HNX, tính đến ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Vinam Land ở mức 520 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức gần 3,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng mạnh từ 0 lên đến 2,88 lần, 100% là nợ trái phiếu. 

Tính đến hết nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp này có khoản dư nợ trái phiếu 1.456 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Công ty ghi nhận khoản lỗ gần 70 triệu đồng trong 6 tháng năm 2023, cùng kỳ lỗ gần 2,4 tỉ đồng.