Nhận được sự ủng hộ của người dân
Ngày 30/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Quyết định này nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh mẽ để thực hiện quy định này, đặc biệt là tăng cường nâng cao nhận thức của người dân, nhất là thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Ngay khi Nghị quyết được thông qua, đã nhận được đông đảo sự ủng hộ của người dân và các chuyên gia y tế. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, đây là một quyết định đúng đắn và tiến bộ.
Theo bác sĩ Nguyên, tất cả các loại thuốc lá từ truyền thống đến hiện đại đều chứa nhiều hóa chất độc hại, thậm chí chứa cả ma túy mới. Những hóa chất này không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến việc sử dụng tùy tiện các hợp chất độc hại. Việc tiếp xúc với các chất này không chỉ làm tổn hại nghiêm trọng sức khỏe cá nhân mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê, mỗi năm có ít nhất 80.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, gấp nhiều lần lợi nhuận từ ngành công nghiệp này. Thuốc lá điện tử không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn để lại hậu quả lâu dài như tổn thương phổi, suy đa tạng và các bệnh tim mạch. Thậm chí, có trường hợp người trẻ tuổi đã có tình trạng phổi và tim giống như của người già, dẫn đến đột quỵ, xuất huyết não và tử vong.
Ngoài ra, người sử dụng thuốc lá điện tử còn có nguy cơ bị rối loạn tâm thần, suy giảm trí nhớ và mất chức năng não bộ nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân trẻ phải sống trong tình trạng liệt tứ chi, phải thở máy hoặc chịu những di chứng nặng nề sau cơn ngộ độc cấp tính.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, giới trẻ không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc lá nào, từ thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử, bóng cười cho đến các chất gây nghiện khác. Thay vì chạy theo những thú vui nhất thời, hãy dành thời gian học tập, làm việc và chọn những cách giải trí lành mạnh.
Cùng quan điểm, PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho rằng, thuốc lá dù ở dạng truyền thống hay hiện đại, đều gây nghiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Thuốc lá truyền thống khi đốt sẽ tạo ra hơn 4.000 chất độc hại. Thuốc lá nung nóng tuy được quảng cáo là ít độc hại hơn, nhưng hiện tại chưa có đủ bằng chứng thuyết phục để chứng minh điều này. Tương tự, thuốc lá điện tử thường được tiếp thị như một công cụ hỗ trợ cai thuốc lá, nhưng thực tế, phần lớn người dùng lại nghiện chính loại thuốc này vì chúng vẫn chứa nicotine.
Không chỉ các chuyên gia mà nhiều người trẻ khi biết tin này cũng bày tỏ vui mừng và ủng hộ. Nguyễn Trần Gia Hân - học sinh một trường THPT tại Gò Vấp, TP. HCM cho biết, em đã nhiều lần thấy các anh chị khóa trên sử dụng thuốc lá điện tử. Em nghĩ nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm ô nhiễm môi trường. Em hy vọng quyết định này sẽ sớm được thực hiện, giúp giới trẻ có môi trường sống trong lành và tránh xa những thói quen không tốt.
Còn anh Ngô Hoàng An (TP. Thủ Đức, TP. HCM) cho rằng, lệnh cấm thuốc lá điện tử không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ nghiện mà còn giúp giới trẻ nâng cao ý thức về lối sống lành mạnh. Anh thấy nhiều quảng cáo thuốc lá điện tử trên mạng xã hội. Điều này rất dễ tác động đến tâm lý của giới trẻ. Do đó, anh mong khi nghị quyết này được triển khai, các cơ quan chức năng sẽ chú ý hơn đến các bài đăng trên mạng xã hội.
Các quốc gia cấm thuốc lá điện tử thế nào?
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids (Hoa Kỳ), số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm thuốc lá điện tử đang gia tăng. Cụ thể, ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với sản phẩm thuốc lá điện tử. Ít nhất 18 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng.
Trong khu vực ASEAN, có 5 quốc gia đã cấm hoàn toàn cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng gồm Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia. Tại Singapore, từ năm 2016, quốc đảo này đã áp dụng quy định cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử và các loại thuốc lá mới có thể phát sinh. Chính sách này giúp dễ dàng kiểm tra và xử phạt các sản phẩm thuốc lá mới được lưu hành trên thị trường sau khi luật có hiệu lực.
Kinh nghiệm từ Thái Lan, một quốc gia đã áp dụng lệnh cấm toàn diện đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng từ sớm, cho thấy mặc dù tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở giới trẻ vẫn có sự gia tăng, nhưng mức độ tăng trưởng chậm hơn nhiều. Cụ thể, tỷ lệ này tăng từ 2,6% vào năm 2015 lên 8,1% vào năm 2020, so với các quốc gia khác như Philippines, nơi tỷ lệ sử dụng ở thanh thiếu niên lên tới 14,1% vào năm 2019.
Dù tình trạng thuốc lá điện tử lậu vẫn tồn tại ở Thái Lan, nhưng việc phải bán trái phép đã hạn chế khả năng tiếp cận của người tiêu dùng đối với các sản phẩm này. Trong khi đó, ở Philippines - nơi thuốc lá điện tử được phép, nhưng sản phẩm lậu vẫn trà trộn vào thị trường và khó kiểm soát khiến người dùng có thể dễ dàng tiếp cận hơn.
Ngược lại với các nước trên, một số quốc gia như Chile, Úc và Nhật Bản quản lý thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm có giấy phép và thuốc kê đơn theo phác đồ điều trị. Tuy nhiên, hiện chưa có sản phẩm thuốc lá điện tử nào được bán dưới dạng sản phẩm cai thuốc lá vì không có đủ dữ liệu lâm sàng chứng minh hiệu quả.
Ở các quốc gia cho phép sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, dù có các chính sách quản lý chặt chẽ đối với việc sử dụng trong giới trẻ, nhưng khả năng thực thi vẫn gặp khó khăn. Thực tế cho thấy, chưa có quốc gia nào thành công trong việc quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng để ngăn ngừa sự gia tăng sử dụng các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới trong giới trẻ.
Kinh nghiệm từ Mỹ, Hàn Quốc, Anh, Ý và Canada cho thấy, sau khi hợp pháp hóa thuốc lá điện tử, tỷ lệ sử dụng sản phẩm này ở giới trẻ đã tăng nhanh chóng. Tại Hoa Kỳ, trong giai đoạn 2017 - 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh trung học đã tăng mạnh từ 11,7% lên 27,5%, còn ở học sinh tiểu học tăng từ 3,3% lên 10,5%.
Tại Vương quốc Anh, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021. Tương tự, ở New Zealand, 27% thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử.
Trong khi đó, các đánh giá sơ bộ so sánh giữa các quốc gia cho thấy, những quốc gia không cho phép thuốc lá điện tử thường có tỷ lệ sử dụng sản phẩm này ở giới trẻ thấp hơn đáng kể so với các quốc gia cho phép. Vì vậy, khuyến cáo chung của WHO đối với tất cả các quốc gia là nên cấm các sản phẩm này, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình sử dụng thuốc lá và năng lực quản lý của từng quốc gia.