Chính sách điều chỉnh phí mới
Shopee và TikTok Shop thông báo điều chỉnh các loại phí hoạt động, có hiệu lực từ ngày 1/4. Đợt điều chỉnh này nâng tỉ lệ doanh thu mà người bán phải chia cho sàn lên khoảng 15%. Trước đó, Lazada cũng đã tăng chiết khấu từ đầu tháng 2.
Theo chính sách mới, phí cố định cho các ngành hàng phổ thông trên Shopee sẽ tăng từ 4 - 6%. Ví dụ, ngành hàng mẹ và bé sẽ tăng từ 4% lên 9,5%, trong khi một số sản phẩm như phụ kiện điện tử có mức phí tăng gấp ba lần, từ 3% lên 9%. Các sản phẩm không thuộc danh mục liệt kê cũng sẽ có mức phí tăng từ 4% lên 10%.

Người bán còn phải chịu chi phí vận chuyển trả hàng trong 2 trường hợp: khi đơn hàng bị trả lại/hoàn tiền và khi đơn giao không thành công. Trước đây, chi phí này được nền tảng hỗ trợ nếu lỗi không phải do sản phẩm hoặc người bán, nhưng hiện nay, người bán sẽ phải chịu hoàn toàn chi phí này, trừ khi họ đăng ký sử dụng dịch vụ PiShip.
Đây là dịch vụ mà Shopee gọi là giải pháp giảm bớt gánh nặng chi phí, với mức phí 2.300 VNĐ mỗi đơn (đã bao gồm VAT). Dịch vụ PiShip giúp miễn phí vận chuyển trả hàng với giá trị lên đến 500.000 đồng.
Cụ thể, khi người bán đăng ký gói PiShip, họ sẽ phải chịu phí 2.300 đồng cho mỗi đơn hàng. Đối với các shop có nhiều đơn hàng mỗi ngày, phí PiShip sẽ càng cao. Mức phí này áp dụng cho mỗi đơn hàng, nên dù giá trị đơn hàng có là 10.000 đồng hay 1 triệu đồng, mức phí vẫn sẽ như nhau.
Ngoài ra, Shopee cũng cho biết sẽ miễn phí 03 tuần đầu tiên cho các nhà bán hàng đăng ký sử dụng dịch vụ PiShip trong khoảng thời gian từ 1/4 đến 30/4.
Bên cạnh việc điều chỉnh hoa hồng cố định, Shopee còn loại bỏ gói Freeship Extra của người bán. Chức năng miễn phí vận chuyển sẽ được áp dụng mặc định cho tất cả các tài khoản trên sàn. Điều này có nghĩa là những đối tác không muốn trả tiền cho dịch vụ freeship sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất, vì họ sẽ phải chi thêm 5 - 6% cho sàn.
Trước đây, gói Freeship Extra của Shopee có mức phí tương đương 6% giá trị đơn hàng, nhưng không vượt quá 50.000 đồng. Theo thông báo chính sách mới, những người dùng muốn miễn phí vận chuyển, chi phí hàng tháng sẽ không thay đổi quá nhiều. Cụ thể, trước ngày 1/4, mức chiết khấu dao động từ 12 - 15%, trong khi sau khi áp dụng chính sách mới, mức chiết khấu tổng cộng giảm còn 6,5 - 15%.
Tuy nhiên, theo tính toán của người bán, số tiền họ phải trả cho sàn sẽ tăng lên. Gói Freeship Extra trước đây có mức phí tối đa là 50.000 đồng cho mỗi đơn hàng, nhưng theo cách tính mới, mức phí 6% sẽ được gộp vào phí chung mà không có giới hạn. Do đó, với các sản phẩm có giá trị cao, người bán sẽ phải chi trả nhiều hơn cho nền tảng.
Shopee cũng có sự điều chỉnh phí cho một số nhóm sản phẩm như điện tử, máy tính, di động, giữ phí cố định ở mức 1,5 - 7%, thấp hơn so với các ngành hàng khác.
Cùng thời điểm, TikTok Shop cũng nâng phí hoa hồng thêm 1%. Vì vậy, các khoản phí cố định trên nền tảng này hiện dao động từ 9 - 13%, tùy vào từng mặt hàng. Tuy nhiên, TikTok Shop không cung cấp gói vận chuyển như Shopee. Nếu tính thêm chi phí quảng cáo video và tiếp thị liên kết, tổng phí của TikTok Shop cũng không hề thấp hơn so với các đối thủ.
Lazada cũng đã tăng chiết khấu từ đầu tháng 2, nâng phí cố định từ 3% lên 4%. Đồng thời, họ giảm giá gói Freeship xuống còn 6% giá trị đơn hàng. Tuy nhiên, người mua gói này sẽ không còn được miễn phí phí cố định. Tổng cộng, người bán sẽ phải chia khoảng 15% doanh thu cho sàn, cao hơn trước khoảng 2%.

Giá sản phẩm có thể tăng 30%
Ngay sau khi Shopee công bố chính sách mới, nhiều nhà bán hàng đã phản ứng mạnh mẽ. Họ cho rằng, Shopee đang dần chuyển gánh nặng chi phí sang người bán khiến lợi nhuận bị thu hẹp đáng kể.
Một người bán hàng trên nền tảng này chia sẻ, với chính sách mới, người bán đang phải chịu thiệt. Nếu muốn có lãi, giá sản phẩm phải tăng ít nhất 20%. Nhưng còn các khoản phụ phí như tiền công, đóng gói, điện nước, giá sản phẩm có thể phải tăng tới 30%.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng Shopee quá bảo vệ quyền lợi người mua, khiến người bán chịu thiệt thòi. Chị Nguyễn Thu Trang (Hà Nội) - chủ một shop quần áo trên Shopee cho hay, sàn điện tử này đang quá thiên vị người mua, đẩy toàn bộ rủi ro từ việc khách “bom” hàng hoặc không còn nhu cầu sẽ trả hàng/hoàn tiền lại cho người bán, dù đây là chính sách của sàn. Nhiều khách hàng không thật thà, sản phẩm nhận lại đã qua sử dụng hoặc bị tráo đổi".
Một số nhà bán hàng chia sẻ, họ đang cân nhắc việc rời khỏi Shopee hoặc tìm kiếm các kênh bán hàng khác để tránh phải chịu mức phí quá cao mà không có sự lựa chọn. Bởi họ lo ngại khi tăng giá sản phẩm quá cao, người mua sẽ tìm cách "mua ngoài", không qua nền tảng thương mại điện tử nữa mà liên hệ trực tiếp với người bán.
Tuy nhiên, cũng có những người bán hàng cho rằng, với số lượng đơn hàng lớn đến từ Shopee, họ sẽ tăng giá sản phẩm để đáp ứng các khoản phí mới thay vì rời bỏ nền tảng này và mất đi lượng khách ổn định.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Znews, ông Đỗ Quang Huy - Thạc sĩ chuyên ngành thương mại điện tử cho rằng, việc các sàn tăng phí là xu thế chung và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Điều này xuất phát từ các khoản đầu tư lớn đã được đổ vào việc mở rộng thị trường, thu hút người bán và khách hàng trong nhiều năm qua.
Theo ông Huy, trong cuộc cạnh tranh này, các nền tảng sẽ phải tiếp tục đối đầu gay gắt. Các chương trình giảm giá sẽ vẫn được triển khai. Vì vậy, việc tăng phí là một cách đơn giản để cân đối thu chi.
Ông cũng nhận định, sau khi các sàn điều chỉnh mức "ăn chia", người bán sẽ phải điều chỉnh giá sản phẩm cho phù hợp. Đây là cách làm đơn giản và cần thiết để đảm bảo lợi nhuận, đồng thời việc này cũng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh vì hầu hết các người bán trên sàn đều phải thực hiện điều tương tự.