Lý giải nguyên nhân cây xanh tại TP. HCM bật gốc ngày càng nhiều

Những năm gần đây, tình trạng cây xanh bị bật gốc, ngã đổ tại TP.HCM ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Vấn đề này không chỉ gây nguy hiểm cho người dân mà còn đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý và bảo dưỡng cây xanh đô thị.

Sau vụ nhánh cây cổ thụ với đường kính khoảng 20cm ở công viên Tao Đàn (quận 1, TP. HCM) bất ngờ rơi từ độ cao khoảng 15m xuống, khiến 2 người tử vong tại chỗ, 3 người bị thương nặng, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp rà soát tình trạng cây trên địa bàn. Mục đích là để phát hiện những cây xanh đô thị không đảm bảo an toàn, kịp thời đưa ra hướng xử lý, tránh các trường hợp cây đổ gây thiệt hại về người và của.

Mặc dù chính quyền TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý và bảo dưỡng cây xanh đô thị, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế. Nhất là khi hiện tượng cây bật gốc tại TP. HCM vẫn tái diễn ngày càng nhiều.

cay-xanh-1-1728607970.jpg
Cành cây rơi tại công viên Tao Đàn khiến 2 người tử vong tại chỗ

Gần đây nhất, vào lúc 18h30 ngày 7/10, tại số 30 Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao, quận 1), một cây có đường kính gần 30cm cao hơn 10m bất ngờ đổ ra đường, đè vào 4 người đi trên 2 xe máy. Một xe do người đàn ông chở phụ nữ và một đứa bé khoảng 5 tuổi. Xe còn lại do một thanh niên cầm lái.

Sau khi sự cố xảy ra, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đã có mặt tại hiện trường phối hợp đưa người bị nạn vào bệnh viện cấp cứu và thực hiện giải tỏa cây bị ngã. Qua kiểm tra, cây xanh trên đang sinh trưởng và phát triển bình thường, không biểu hiện khiếm khuyết. Thời điểm xảy ra sự cố có mưa to, giông gió lớn cục bộ.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra ngày 10/10, ông Vũ Ngọc Kỷ Văn - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP. HCM đã trả lời về nguyên nhân cây xanh bật gốc ngày càng gia tăng trên địa bàn những năm gần đây.

Ông Văn cho biết, do sự biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, triều cường gây ngập úng gia tăng, cùng với tình trạng khô hạn và nắng nóng kéo dài, các yếu tố môi trường như suy giảm mực nước ngầm và gia tăng ô nhiễm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái cây xanh.

cay-xanh-1728607970.jpg
Cây đổ tại giao lộ Mạc Đĩnh Chi - Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) tối 7-9

Thêm vào đó, việc xây dựng ngày càng nhiều các tòa nhà cao tầng trong thành phố đã làm thay đổi hướng gió tự nhiên. Khi những cơn gió mạnh gặp phải các tòa nhà, chúng tạo ra hiện tượng "hiệu ứng đường hầm" – một hiện tượng trong đó gió bị dồn nén và tăng tốc khi di chuyển qua những khoảng trống giữa các tòa nhà. Điều này làm tăng áp lực lên cây xanh, đặc biệt ở khu vực có mật độ xây dựng cao, khiến chúng dễ bị bật gốc hoặc ngã đổ khi gặp gió mạnh.

Không chỉ vậy, các hoạt động thi công như đào đường và xây dựng công trình ngầm đã xâm hại trực tiếp đến hệ thống rễ của cây, làm giảm khả năng sinh trưởng và sức chống chịu của cây xanh trước các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. "Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cây xanh bị gãy nhánh và ngã đổ ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây," ông Văn phân tích.

Trước mùa mưa bão, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP. HCM đã tăng cường công tác cắt tỉa và xử lý cây xanh có hư hại, khiếm khuyết để hạn chế tối đa các sự cố cây xanh gây nguy hiểm cho người dân, phương tiện giao thông và các công trình công cộng. Công ty cũng khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển ngoài đường khi có mưa to và gió lớn để đảm bảo an toàn.

Ông Đỗ Tấn Long, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.HCM, nhấn mạnh rằng việc cắt tỉa cành nhánh là một biện pháp kỹ thuật cần thiết và bắt buộc trong quá trình bảo dưỡng và chăm sóc cây xanh đường phố. Trung tâm cũng đã triển khai kế hoạch thay thế những cây cổ thụ lâu năm để giảm thiểu nguy cơ gãy đổ.

Hiện nay, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đang quản lý khoảng 187.000 cây xanh các loại, trong đó có hơn 8.300 cây cổ thụ. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã thay thế hơn 3.097 cây xanh bị hư hại hoặc khiếm khuyết để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.