Meta có kế hoạch xây dựng tuyến cáp ngầm trị giá 10 tỷ USD, trải dài khắp thế giới

Theo các nguồn tin của Techcrunch, Meta – công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp đang có những bước tiến mới trong việc làm chủ công nghệ Internet. Theo các nguồn tin, công ty đang có kế hoạch xây dựng một tuyến cáp quang ngầm mới, trải dài hơn 40.000 km và có thể ngốn tới 10 tỷ USD đầu tư.

Với tuyến cáp ngầm dự định đầu tư này, Meta sẽ là chủ sở hữu và người dùng duy nhất.

Theo tính toán, các nền tảng của Meta với hàng tỷ người dùng đang chiếm 10% tổng lưu lượng cố định và 22% tổng lưu lượng di động. Các khoản đầu tư của Meta vào trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng lưu lượng internet nhiều hơn nữa. Vì vậy, việc đầu tư cho hạ tầng đối với công ty này là rất quan trọng. 
Sunil Tagare, một chuyên gia về cáp ngầm (và là người tiên phong trong lĩnh vực này với tư cách là người sáng lập Flag Telecom) đã lần đầu tiết lộ về kế hoạch của Meta hồi tháng 10, nói rằng kế hoạch sẽ bắt đầu với ngân sách 2 tỷ USD nhưng khi dự án triển khai, con số đó có thể tăng lên hơn 10 tỷ USD khi dự án kéo dài trong nhiều năm.

Các nguồn tin thân cận với Meta đã xác nhận dự án nhưng cho biết dự án vẫn đang trong giai đoạn đầu. Các kế hoạch đã được vạch ra, nhưng tài sản vật chất thì chưa, và họ từ chối thảo luận về ngân sách. Dự kiến Meta sẽ nói công khai hơn về dự án vào đầu năm 2025, khi họ xác nhận các kế hoạch cho tuyến cáp, bao gồm tuyến đường dự kiến, công suất và một số lý do đằng sau việc xây dựng tuyến cáp. 

Sẽ mất nhiều năm nữa trước khi hệ thống này đi vào hoạt động hoàn toàn nếu chiến lược này được thực hiện triệt để, vì số lượng công ty có khả năng đảm nhiệm được công việc xây dựng này đều đang bận rộn với các đơn đặt hàng trước đó của mình.

“Nguồn cung cáp ngầm thực sự khan hiếm”, Ranulf Scarborough, một nhà phân tích ngành cáp ngầm, cho biết. “Chúng đắt đỏ vào thời điểm này và phải được đặt trước nhiều năm. Việc tìm kiếm các nguồn lực sẵn có để thực hiện sớm là một thách thức”. Ông nói thêm rằng một kịch bản có thể xảy ra là xây dựng theo từng phân đoạn.

Tuyến cáp, khi hoàn thành, sẽ cung cấp cho Meta một đường ống chuyên dụng cho lưu lượng dữ liệu trên toàn thế giới. Tuyến cáp được lên kế hoạch, theo các nguồn tin, hiện đang trải dài từ bờ biển phía đông của nước Mỹ đến Ấn Độ qua Nam Phi, và sau đó đến bờ biển phía tây của Mỹ từ Ấn Độ qua Úc — tạo thành hình chữ "W" quanh quả địa cầu.

w-meta-cable-1732955122.webp
Đường đi của tuyến cáp ngầm có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 10 tỷ USD của Meta.

Meta không phải là cái tên mới trong lĩnh vực cáp ngầm. Theo các nhà phân tích viễn thông Telegeography, Meta là đồng sở hữu của 16 mạng lưới hiện có, bao gồm tuyến cáp 2Africa bao quanh lục địa mới đi vào hoạt động gần đây (cùng tham gia đầu tư có các nhà mạng như Orange, Vodafone, China Mobile, Bayobab/MTN và nhiều công ty khác). Tuy nhiên, dự án cáp mới sẽ là dự án đầu tiên do chính Meta sở hữu hoàn toàn. 

Một “ông lớn” công nghệ khác là Google cũng đang tham gia đầu tư và sở hữu khoảng 33 tuyến cáp ngầm khác nhau. Amazon và Microsoft cũng đang có quyền khai thác với nhiều tuyến cáp ngầm nhưng không phải sở hữu toàn bộ. 

Có một số lý do tại sao việc xây dựng cáp ngầm lại hấp dẫn các công ty công nghệ lớn như Meta. Đầu tiên, quyền sở hữu duy nhất đối với tuyến đường và cáp sẽ giúp Meta có quyền ưu tiên hỗ trợ băng thông trên chính tài sản của mình. 

Theo báo cáo thu nhập của công ty, Meta kiếm được nhiều tiền hơn bên ngoài Bắc Mỹ so với thị trường trong nước. Việc ưu tiên cáp ngầm chuyên dụng có thể giúp đảm bảo chất lượng dịch vụ trên lưu lượng đó. Điều này chỉ nhằm đảm bảo lưu lượng đường dài: công ty vẫn phải đàm phán với các nhà mạng trong phạm vi quốc gia để dịch vụ đi đến với người dùng cuối được nhanh chóng, mượt mà.

Meta, giống như Google, cũng đề cao vai trò của mình trong việc nâng cao vị thế của các khu vực thông qua các khoản đầu tư dưới biển, tuyên bố rằng các dự án như Marea ở châu Âu và các dự án khác ở Đông Nam Á đã đóng góp hơn "nửa nghìn tỷ USD" cho nền kinh tế ở những khu vực đó. 

meta-ai-1732955570.jpg
Meta đang đầu tư mạnh mẽ vào AI và trung tâm dữ liệu, điều này cũng đòi hỏi hạ tầng mạng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, những bất ổn về địa chính trị cũng thúc đẩy Meta mạnh mẽ đầu tư cho cơ sở hạ tầng viễn thông riêng. Trong những năm gần đây, cáp ngầm đã bị phá hủy nhiều lần do thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp từ chiến tranh. Các chiến binh Houthi, được Iran hậu thuẫn, đang truy đuổi các tàu thuyền và trong quá trình này đã phá hủy các tuyến cáp ở Biển Đỏ (chẳng hạn như tuyến cáp này nối châu Âu với Ấn Độ). Chỉ trong tuần này, một tuyến cáp khác đã bị phá hủy ở vùng biển châu Âu. Lộ trình mà Meta hình dung nhằm mục đích giúp công ty "tránh các khu vực căng thẳng về địa chính trị". 

Một lý do khác được cho là liên quan đến việc xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn. Một số chuyên gia cho rằng Meta có cơ hội xây dựng năng lực trung tâm dữ liệu tại Ấn Độ, chỉ dành riêng cho việc đào tạo và làm việc với các mô hình AI, và cáp ngầm có thể đóng vai trò trong nỗ lực đó. Chi phí băng thông tính toán của Ấn Độ chỉ bằng một phần nhỏ giá ở Mỹ.

AI là một phần lớn trong lộ trình cơ sở hạ tầng của Meta. Nhưng ngoài ra, Ấn Độ là một thị trường khổng lồ cho Meta, đứng đầu ước tính là quốc gia có nhiều người dùng nhất trên Facebook (hơn 375 triệu người dùng), Instagram (363 triệu người dùng) và WhatsApp (536 triệu người dùng) và những người tiêu dùng này đang tỏ ra rất hào hứng với những tính năng AI trên các nền tảng mạng xã hội của Meta.