Muôn kiểu chở hàng quá khổ, quá tải gây nguy hiểm trên đường

Xe máy chở bình gas được chằng tạm bợ hay kéo theo những thanh sắt, tấm tôn dài… chạy với tốc độ cao trên đường là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Dù bị cơ quan chức năng xử lý rất nhiều, nhưng tình trạng này vẫn tồn tại, gây nhức nhối cho người tham gia giao thông.

Tại Hà Nội hay TP. HCM, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe chở hàng cồng kềnh như bình gas, tấm tôn dài… lao với tốc độ cao trên đường. Những chiếc xe máy, xe ba gác chất đầy hàng hóa chiếm rất nhiều diện tích trên đường, tạo ra những điểm mù nguy hiểm cho người lái và người tham gia giao thông xung quanh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất cao.

hang-cong-kenh-3-1725411016.jpeg
hang-cong-kenh-4-1725411016.jpeg
Tiềm ẩn tai nạn từ cách vận chuyển bình gas cỡ lớn trên đường (Ảnh: Phạm Dũng/NLĐ)

Chở hàng cồng kềnh làm giảm khả năng kiểm soát phương tiện, người điều khiển khó có thể giữ thăng bằng hoặc xử lý kịp thời khi gặp các tình huống nguy hiểm. Tại các thành phố lớn với mật độ giao thông cao, những chiếc xe chở hàng cồng kềnh còn gây cản trở lưu thông, khiến tình trạng kẹt xe trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông ở cả Hà Nội và TP. HCM đã tổ chức nhiều đợt ra quân nhắc nhở, xử phạt những người chở hàng quá khổ, quá cỡ gây nguy hiểm cho người đi đường. Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP. HCM cho biết, đợt ra quân gần đây nhất xử lý xe chở hàng cồng kềnh, xe tự chế lưu thông trên đường là từ giữa tháng 7 tới nay.

hang-cong-kenh-5-1725411155.jpg
Chở tôn không che chắn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông (Ảnh: Hoàng Thuận/Tiền Phong)
hang-cong-kenh-2-1725411016.png
Những miếng tôn sắc lẹm được vận chuyển trên đường (Ảnh: Phạm Dũng/NLĐ)

Theo đó, Công an TP. HCM phối hợp cùng Ban An toàn giao thông còn tổ chức tuyên truyền, xử lý xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, xe tự chế, xe ba, bốn bánh trên địa bàn TP. Sau một tháng rưỡi, đơn vị đã phát hiện hơn 10.000 trường hợp vi phạm. Trong đó có 2.000 trường hợp vi phạm chở hàng cồng kềnh, 3.600 trường hợp vi phạm kéo theo thùng lôi, vật kéo…

Đáng chú ý, Công an TP. HCM phát hiện được 775 trường hợp sử dụng biển số giả hoặc không gắn biển số, 1.500 trường hợp phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, hơn 2.000 trường hợp vi phạm khác. Ngoài ra, Công an TP. HCM đã tạm giữ 4.900 xe máy, xe ba gác, xe chở hàng có gắn động cơ, xe chở rác dân lập.

Tại Hà Nội, Công an thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe mô tô kéo theo xe khác, vật khác trên địa bàn.

hang-cong-kenh-1-1725411016.jpg
Những thanh sắt dài được kéo phía sau xe tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao

Sau 3 tháng triển khai thực hiện (đến tháng 6/2024), các đơn vị chức năng của Công an TP. Hà Nội đã xử lý 5.635 trường hợp (gồm 2.012 trường hợp xe ba, bốn bánh tự sản xuất lắp ráp; 3.623 trường hợp xe mô tô vi phạm chở hàng cồng kềnh, kéo theo xe khác, vật khác) và tạm giữ 2.150 phương tiện.

Để chấm dứt tình trạng xe ba bánh tự chế, tự lắp ráp chở hàng cồng kềnh, vi phạm luật giao thông trên địa bàn thành phố, thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng, làm tốt công tác chức tuyên truyền, vận động, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nhiều chuyên gia giao thông đánh giá, sở dĩ những chiếc xe chở hàng quá khổ, quá tải này vẫn còn nhan nhản trên đường là do đa số những người điều khiển xe chở tôn, sắt dài có hoàn cảnh khó khăn, phải vất vả để mưu sinh. Bên cạnh đó còn có nhiều tiểu thương, đặc biệt là những người buôn bán nhỏ lẻ, không có khả năng sử dụng các phương tiện chuyên chở lớn như xe tải nên phải tận dụng các loại phương tiện cá nhân như xe máy, xe đạp hoặc xe ba gác để vận chuyển hàng hóa.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với người điều khiển xe máy chở hàng cồng kềnh có thể dao động từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu vi phạm quy định về kích thước và cách chở hàng. Trong trường hợp vi phạm này dẫn đến tai nạn giao thông, người điều khiển có thể bị tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.