Khách hàng bị dẫn dụ chi hàng trăm triệu đồng cho các dịch vụ làm đẹp phong thủy

Nhiều người dân sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng cho các dịch vụ làm đẹp chân mày phong thủy, tin rằng sẽ cải thiện vận mệnh và sức khỏe. Tuy nhiên, dưới lớp vỏ quảng cáo hấp dẫn, nhiều cơ sở thẩm mỹ lại hoạt động không phép, thiếu minh bạch, thậm chí lợi dụng lòng tin để lừa đảo khách hàng.

Gần đây, Sở Y tế TP. HCM nhận được nhiều phản ánh từ người dân về việc chi hàng trăm triệu đồng cho các dịch vụ làm đẹp tại một số cơ sở thẩm mỹ chuyên về chân mày. Các cơ sở này quảng cáo không đúng sự thật, thiếu cơ sở khoa học và lồng ghép yếu tố phong thủy nhằm thu hút khách hàng.

Nhiều người dân bị thuyết phục tham gia các dịch vụ phun xăm, điêu khắc chân mày với kỳ vọng cải thiện vận mệnh và sức khỏe. Như trường hợp của chị Đ. (Việt kiều Mỹ) cho biết đã chi 425 triệu đồng cho các dịch vụ làm đẹp như chân mày, xóa nếp nhăn, tạo dáng môi, thiên di, ấn đường tại một cơ sở phong thủy ở quận 10. Cũng tại cơ sở này, chị T. và chị H. đã phải trả trên 90 triệu đồng cho dịch vụ làm môi, chân mày.

chan-may-1729915186.jpg
Nhiều người chi cho các dịch vụ phun xăm, điêu khắc, tư vấn phong thủy... với số tiền hàng trăm triệu đồng

Tương tự, chị N. phản ánh đã chi 248,5 triệu đồng tại Cơ sở chân mày phong thủy Ngọc San (quận 10) cho các dịch vụ liên quan đến chân mày, môi, thái dương và trán.

Trước những phản ánh này, Sở Y tế TP. HCM đã tiến hành kiểm tra và xử lý các cơ sở thẩm mỹ phong thủy tại quận 10. UBND Quận 10 đã ra quyết định xử phạt các cơ sở kinh doanh chân mày phong thủy như Ngọc San (đường Ba Tháng Hai, phường 6) và Hương Giang (đường Ba Tháng Hai, phường12) vì hoạt động khám chữa bệnh không có giấy phép.

Bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, Sở Y tế TP. HCM cũng đã tổng hợp hồ sơ và chuyển đến cơ quan công an để điều tra thêm về các hoạt động kinh doanh có dấu hiệu lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Sở khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước các thông tin quảng cáo như “thay tướng đổi vận”, “cải thiện vận may, tài lộc”, đặc biệt là các quảng cáo sử dụng hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng hay công nghệ hiện đại kèm theo khuyến mãi hấp dẫn. Nếu không có thông tin rõ ràng về hoạt động của cơ sở và thiếu kiểm chứng khoa học, người dân có thể rơi vào các dịch vụ mê tín dị đoan, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Thời gian qua, Sở Y tế TP. HCM đã tăng cường xử lý nhiều cơ sở liên quan đến khám chữa bệnh. Ngày 24/10, Sở cho biết một số phòng khám tư nhân trên địa bàn thành phố đã sử dụng từ "bệnh viện" trên các biển hiệu và quảng cáo của mình. Điều này dễ gây nhầm lẫn cho người dân trong việc lựa chọn dịch vụ y tế, tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh.

chan-may-1-1729915186.jpg
Một cơ sở chưa có giấy phép hoạt động đã mang tên “bệnh viện” (Ảnh: Thanh tra Sở Y tế TP. HCM)

Theo Thanh tra Sở Y tế, từ đầu năm đến nay đã có 10 cơ sở kinh doanh vi phạm pháp luật khi đăng ký sử dụng chữ “bệnh viện” trong tên doanh nghiệp, dẫn đến việc bị xử phạt hành chính. Các cơ sở này chủ yếu là phòng khám chuyên khoa mắt, răng hàm mặt, thẩm mỹ và chăm sóc da.

Qua tra cứu thông tin doanh nghiệp trên địa bàn, Sở Y tế ghi nhận hiện có ít nhất 184 doanh nghiệp tư nhân đăng ký cụm từ “bệnh viện” trong tên nhưng không hoạt động theo mô hình bệnh viện. Khi đăng ký thủ tục hành chính để mở phòng khám, Sở Y tế buộc phải cấp phép theo tên doanh nghiệp đã đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù không phù hợp với bản chất hoạt động.

Theo Luật Khám chữa bệnh, điều kiện để cấp phép hoạt động cho “bệnh viện” và “phòng khám” có sự khác biệt rõ ràng về quy mô, cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức và nhân sự nhằm đảm bảo minh bạch và trách nhiệm của từng loại hình cơ sở y tế. Việc các phòng khám sử dụng danh xưng “bệnh viện” không chỉ trái với chức năng, nhiệm vụ mà còn gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lòng tin của người dân.

Trước tình trạng này, Sở Y tế kiến nghị các bộ, ngành và đơn vị liên quan xem xét bổ sung quy định đặt tên cơ sở y tế, khắc phục việc doanh nghiệp dịch vụ phòng khám sử dụng tên gọi “bệnh viện”. Đồng thời, Sở đề xuất thắt chặt quy trình cấp phép, yêu cầu các cơ quan đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư, phòng tài chính - kế hoạch địa phương) thẩm định kỹ và từ chối cấp phép nếu tên gọi không đúng với chức năng.

Ngoài ra, Sở Y tế kiến nghị các doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký tên “bệnh viện” nhưng không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động như một bệnh viện nên điều chỉnh lại tên và loại bỏ cụm từ “bệnh viện”. Chính quyền địa phương cũng được đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở có sai phạm, đặc biệt với những cơ sở nhận nhiều phản ánh và khiếu nại từ người dân.

Sở Y tế nhận định, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao, kéo theo sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên, sự nhập nhằng trong tên gọi “bệnh viện” của các phòng khám tư nhân đang là vấn đề cần giải quyết để đảm bảo minh bạch và an toàn cho người dân.