Người dân “mất ăn, mất ngủ” vì hồ sơ đất đai “tắc” thuế

Hàng nghìn hồ sơ chuyển mục đích sử dụng, sang nhượng, cấp giấy chứng nhận tại TP. HCM vẫn đang “nằm im” tại cơ quan thuế cả tháng qua, khiến nhiều người dân “mất ăn, mất ngủ”, áp lực nhiều phía.

Trong văn bản gửi UBND TP. HCM mới đây của Cục Thuế TP. HCM cho thấy, từ ngày 1 – 27/8 cơ quan này đã tiếp nhận tổng cộng 8.808 hồ sơ. Trong đó, 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, 277 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất. Cùng với đó, có 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính.

Hồ sơ nộp 1 tháng chưa được tính tiền sử dụng đất

Anh Cương (huyện Nhà Bè) cho biết, hồi đầu tháng 8/2024, anh có mua một căn nhà trên địa bàn xã Phước Kiển với giá hơn 10 tỉ đồng. Mọi thủ tục chuyển nhượng đã xong nhưng hồ sơ vẫn “nằm” ở cơ quan thuế từ ngày 7/8 đến nay.

Dù đã rất nhiều lần lên văn phòng đăng ký đất đai để hỏi tiến độ giải quyết nhưng đều nhận được câu trả lời “chờ thủ tục tính thuế”. Điều này khiến anh rất lo lắng vì đã thanh toán tiền nhưng nhà vẫn đứng tên chủ cũ. Trong khi đó, ngay cạnh TP. HCM là Bình Dương việc tính thuế vẫn diễn ra bình thường do họ áp dụng bảng giá đất cũ.

Tương tự, trong 1 tháng qua, chị Lan (quận 12) đã 4 lần đến chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận để hỏi thăm tình hình giải quyết hồ sơ xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng lần nào cũng nhận được phản hồi “tiếp tục chờ vì bên thuế chưa giải quyết”. Điều đáng nói là không được hẹn ngày cụ thể, khiến nhiều kế hoạch của chị bị gián đoạn.

van-phong-dk-dat-dai-1725597743.jpg

Hồ sơ đất đai được tiếp nhận nhưng không biết bao giờ có kết quả

“Theo kế hoạch của tôi, sau khi làm xong sổ đỏ sẽ bán đi để trả nợ, nhưng đã hơn 1 tháng trôi qua mà thành phố chưa đưa giải pháp nào về vấn đề tính thuế cho dân, người cho vay tiền thì hối trả mà người mua cũng sắp hết kiên nhẫn, không muốn chờ đợi. Tôi không biết phải làm sao”, chị Lan chia sẻ.

Cũng rơi vào tình trạng như chi Lan, anh Đặng Quang Thanh (quận Gò Vấp) đang chờ hoàn tất thủ tục sang nhượng căn nhà riêng đã nộp hồ sơ từ 8/8 đến nay, nhưng vẫn chưa xong do bị “treo” ở khâu tính thuế. Anh Thanh cho biết, đã “mất ăn, mất ngủ” cả tháng qua vì áp lực từ phía ngân hàng, chưa bán được nhà ngày nào anh vẫn phải “gánh nợ” ngày đó.

Có những người bức xúc đặt vấn đề, trong lúc bảng giá đất mới chưa có, bảng giá đất hiện vẫn còn hiệu lực, lại không cho người dân nộp thuế với các hồ sơ hiện hữu thì “cán bộ ngành thuế làm gì trong hơn 1 tháng qua?”; việc dừng tính thuế gây thiệt hại cho người dân ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Ngoài những hồ sơ “tắc” từ tháng 8, trong những ngày đầu tháng 9, khu vực tiếp nhận thủ tục đất đai ở UBND các quận, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, TP Thủ Đức ... vẫn đông đúc người dân đi chuyển mục đích sử dụng đất , xin tách thửa hay chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, các hồ sơ này cũng đều có chung 1 diễn biến “được tiếp nhận nhưng không biết bao giờ có kết quả”.

Thanh khoản của thành phố chậm nhịp

Thị trường bất động sản thời gian gần đây đang diễn ra một nghịch lý, trong khi giao dịch các phân khúc tại Hà Nội “sốt xình xịch” thì tại TP. HCM lại không mấy khởi sắc. Nhiều ý kiến cho rằng, nhìn vào gần chục nghìn hồ sơ đang bị “treo” trong vòng 1 tháng qua có thể thấy, đây là trở ngại trong giao dịch, kéo lùi tốc độ thanh khoản của thị trường bất động sản TP. HCM.

Khảo sát trong vòng 1 tháng qua tại các phòng công chứng ở nhiều khu vực vùng ven cho thấy, hoạt động hồ sơ công chứng đã “hạ nhiệt” đáng kể, lượng khách ra – vào không quá tấp nập, nhiều khách hàng khi thấy phải chờ đợi mà không cụ thể ngày được giải quyết đã tạm dừng các giao dịch.

dat-dai-tphcm-1725597820.jpg

Trong khi bất động sản Hà Nội "sốt xình xịch" thì TP. HCM lại có phần yên ắng

Trước đó, giải thích về việc tắc nghẽn này, đại diện Cục thuế TP. HCM cho biết, gặp vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về nghĩa vụ thuế trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/8 đến thời điểm bảng giá đất điều chỉnh theo quy định tại Luật Đất đai 2024.

Cụ thể, từ ngày 1/8, nếu áp dụng bảng giá đất chưa điều chỉnh tại Quyết định số 02 mà không nhân với hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) thì không phù hợp điều kiện giá đất thực tế. Còn nếu tiếp tục áp dụng bảng giá đất chưa điều chỉnh nhân với hệ số K lại chưa có quy định hướng dẫn thực hiện.

Tại chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời của TP. HCM, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo ngại, trong thời gian chưa ban hành giá đất điều chỉnh, Bộ Tài chính cũng có hướng dẫn bảng giá đất cũ được áp dụng đến hết năm 2025, việc các hồ sơ không được giải quyết với lý do chờ bảng giá mới là không hợp lý.

Trả lời vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường – Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, không chỉ thành phố mà các địa phương khác đều vướng mắc ở khâu xác định nghĩa vụ tài chính khi xử lý các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất vì "chưa biết tính theo bảng giá nào". Liên quan đến hướng dẫn tính nghĩa vụ tài chính, UBND TP. HCM đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn giải quyết để thành phố có cơ sở thực hiện.